Sacombank của ông Dương Công Minh tiếp tục tính chia thưởng cho nhân viên sau khi thay ông Trầm Bê lèo lái ngân hàng. Ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục bứt phá mạnh trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) lấy ý kiến cổ đông để thực hiện chia thưởng cho cán bộ nhân viên phần vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017. Theo đó, Sacombank dự kiến chia thưởng cho người lao động từ 23/10 đến 22/11/2017 sau khi vượt hơn 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm trong vòng 9 tháng. Chỉ trong 3 quý Sacombank đã ghi nhận lợi nhuận 900 tỷ đồng.

Trước đó, ngay sau khi nhậm chức, ông Dương Công Minh cho biết hy vọng vọng 3 năm tái cơ cấu xong Sacombank thay vì 10 năm như đề án và quyết thưởng nóng 1 tháng lương cơ bản và tăng lương cho toàn bộ hơn 17 ngàn cán bộ nhân viên trong hệ thống, bên cạnh việc thưởng theo cơ chế cho các đơn vị kinh doanh tốt.

{keywords}
Ông Dương Công Minh

Sacombank là ngân hàng thuộc top đầu trong hệ thống ngân hàng nhưng gặp khó khăn sau khi ông Trầm Bê cho sáp nhập với SouthernBank và gánh một khoảng xấu khổng lồ từ Phương Nam để lại.

Ông Dương Công Minh nhậm chức hồi cuối tháng 6 và đã thay gần như toàn bộ dàn lãnh đạo của ngân hàng này.

Cổ phiếu Sacombank tăng chậm nhưng được đánh giá là sẽ có kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2017 giống như phần lớn các ngân hàng khác. Nhiều cổ đông trong đó có Dương Công Minh, ông Nguyễn Đức Hưởng mua vào cổ phiếu các ngân hàng như Sacombank (STB), LienVietPostBank (LPB)…

Theo báo cáo 9 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lợi nhuận ngành ngân hàng 9 tháng đầu năm ước tăng 39%, dự phòng rủi ro cũng tăng khá mạnh, khoảng 22% lên 110 ngàn tỷ đồng.

Các ngân hàng đang hưởng lợi nhờ hoạt động cho vay khách hàng tăng mạnh.

Một số nhóm cổ phiếu đầu ngành với kỳ vọng kết quả kinh doanh ấn tượng cả trong ngắn và dài hạn tiếp tục tăng giá. Cổ phiếu VIC của Vingroup và VJC của Viet Jet Air tăng mạnh đã giúp 2 tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong danh sách những người giàu nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes, với tổng tài sản lên tới gần 5 tỷ USD.

Báo cáo của Tạp chí Forbes cho thấy, ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục là 2 tỷ phú USD hiếm hoi tại Việt Nam và có tốc độ bứt phá rất ngoạn mục trong bảng xếp hạng công bố đầu tháng 10/2017.

Theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Tập đoàn Vingroup hiện đang có khối tài sản tính tới 7/10 lên tới 2,9 tỷ USD. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Tập đoàn Sovico Holdings và là CEO VietJet Air trong khi đó được đánh giá có 1,82 tỷ USD.

Bà Thảo và ông Vượng tiếp tục thăng hạng rất nhanh trong bảng xếp hàng. Ông Vượng hiện đã lọt vào top 800 người giàu nhất hành tinh, trong khi bà Thảo cũng đã vào top 1500 tỷ phú giàu nhất thế giới. So với 6 tháng trước đó, tài sản của ông Vượng đã tăng thêm 500 triệu USD, trong khi đó tài sản của bà Thảo đã tăng gấp đôi.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo giàu bứt phá nhờ cổ phiếu Viet Jet Air tăng mạnh.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu đầu ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều cổ phiếu chứng khoán và cổ phiếu lớn sắp được thoái vốn cũng tăng mạnh giúp thị trường chứng khoán vượt qua một tuần sóng gió và kết thúc với VN-Index tăng 0,4% lên 807,8 điểm.

Cổ phiếu Bia Hà Nội (BHN) cùng nhóm ngân hàng ACB, BID, CTG, MBB, VPB; nhóm chứng khoán: HCM, VND, MBS… hay bất động sản xây dựng như ROS, VGC, SCR… bứt phá. Nhóm cổ phiếu nóng cũng giao dịch sôi động với nhiều mã có liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết tăng mạnh.

Cho dù sự thận trọng vẫn bao trùm trên thị trường và thanh khoản có dấu hiệu tụt dần đều, nhưng về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt ngưỡng 120 tỷ USD, tương đương 60% GDP. Trong đó, vốn của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 27,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 33,8% so với cuối năm 2016.

Bên cạnh thị trường chứng khoán cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh dù mới đưa vào hoạt động nhưng vẫn được đón nhận tương đối tích cực. Không chỉ các cổ phiếu mới lên sàn dồn dập, một số cổ phiếu sau khi hủy niêm yết cũng đã và đang niêm yết trở lại.

Về mặt điểm số, ngưỡng kháng cự 810 vẫn là thử thách ngắn hạn cho chỉ số thị trường, trong khi ngưỡng hỗ trợ khá mạnh là 800 điểm.

Tuy nhiên, theo phân tích kỹ tuận, áp lực điều chỉnh ngắn hạn có khả năng đã hoàn tất. CTCK BSC vừa đưa ra dự báo đánh giá cao kịch bản VnIndex lên vùng 820 - 850 điểm vào cuối năm 2017.

Dự báo dựa trên chính sách nới lỏng tiền tệ theo đuổi tăng trưởng kinh tế của chính phủ, sự cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng, ngân hàng và bất động sản.

Kinh tế vĩ vô vẫn tích cực. FDI đăng ký của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục trong 9 tháng đầu năm, FDI giải ngân cũng cải thiện và tăng mạnh trong tháng 9. Trong 3 tháng còn lại của năm 2017, dự báo dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam trước viễn cảnh tích cực từ tình hình kinh tế xã hội, sự ổn định các yếu tố vĩ mô, cũng như nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách các thủ tục hành chính nhằm đưa nhanh dòng vốn vào thị trường để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong quý 4, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đón nhận thêm nhiều hàng hoát tố. Nhiều công ty lớn như VNM, Sabeco (SAB), Habeco (BHN), Lọc dầu Bình Sơn, PVoil, ... đang được xây dựng phương án thoái vốn và cổ phần hóa.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/10, VN-index tăng 2,57 điểm lên 807,8 điểm; HNX-Index tăng 1,02 điểm lên 107,98 điểm. Upcom-Index tăng 0,09 điểm lên 54,1 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 3,4 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

H. Tú