"A lô , a lô

Đến hẹn lại lên. Tết năm nay em gói bánh vào sáng 28 Tết tại nhà trên (ngôi nhà cổ hơn 100 năm bố mẹ em để lại cho ạ).

Các cô dì chú bác và đặc biệt là các cháu yêu của bà Bé: Chôm Chôm, Bi, Na, Zin, Su, Bin, Ben, Cherry, Tít, Bống, Hùng, Thảo Chi, Bảo Anh, Bảo An, Bốp, Bắp ơi. Sáng 28 Tết đúng 8h bà Bé bắt đầu gói 20kg gạo gồm cả bánh trưng, bánh tro, bánh to bánh nhỏ đeo cổ nhé. Bà Bé đã mua 20 túi bóng bay rồi. Người lớn gói bánh, trẻ con thổi bóng bay nhé.

Tết, Tết đến rồi. Tết đến trong tim mọi người". 

Dòng thông báo trên Facebook của bà Đỗ Thị Phương (Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội) nhanh chóng thu hút sự hưởng ứng của đông đảo thành viên trong đại gia đình.

Tìm đến nhà bà Bé (tên gọi ở nhà của bà Phương) trong ngôi làng nổi danh là đất hiếu học của Hà Tây cũ, phóng viên VietNamNet bất ngờ khi bước chân vào khuôn viên gia đình.

W-nha-co-hon-100-nam-11-1.jpg
Ông Nguyễn Khắc Bân là thế hệ thứ 6 sinh sống trong ngôi nhà này, năm nay ông đã 87 tuổi.

Nhà cổ hơn 100 năm vẫn giữ nguyên vẹn

Trong thời gian chờ các con cháu tới xem gói bánh chưng, bà Phương giới thiệu với PV khu nhà cổ của 3 anh em dòng họ Nguyễn Khắc - gia đình bên chồng của bà. 

Từ bộ cửa bức bàn...

....tới cánh dại (liếp) bằng tre...

... ô cửa sổ, vì kèo, mái ngói ri và thước mét bằng tre đều mang đậm dấu ấn thời gian

Bà Phương cho biết ngôi nhà có tuổi thọ lâu đời nhất là của ông Nguyễn Khắc Bân - trưởng họ. Từ bộ cửa bức bàn cho tới cánh dại tre - những nét đặc trưng của nhà gỗ cổ vẫn còn nguyên vẹn sau hàng trăm năm. Trải qua bao mưa nắng, chứng kiến bao thế hệ trưởng thành, bộ cửa vẫn tồn tại và phát huy tác dụng bảo vệ và che chắn mưa nắng cho ngôi nhà. 

Ông Bân đang sống cùng người con trai sinh năm 1970, anh Nguyễn Khắc Bách.

Ông Bân, người cựu chiến binh gần 90 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn kể lại: "Tôi là đời thứ 6 sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà này. Thời xưa, các cụ kiêng không xây nhà mới mà đi mua lại nguyên một căn nhà gỗ rồi về dựng lên. Đến thời điểm này, mọi thứ của ngôi nhà vẫn còn nguyên bản. Chúng tôi chỉ cải tạo sửa chữa những chi tiết bị hỏng, giữ gìn tài sản cha ông để lại chứ không có ý định đập đi xây mới".

Tết gắn kết đại gia đình

Phía sau lưng nhà ông Bân là ngôi nhà cổ hơn trăm năm tuổi, nơi vợ chồng bà Phương đang sinh sống. Đã 33 năm kể từ khi về làm dâu, bà Phương duy trì truyền thống đại gia đình quây quần gói bánh chưng đón tết Nguyên đán. Một điều thú vị, bà luôn ưu tiên gói bánh chưng con cho các cháu, chắt có bánh đeo cổ để vui chơi thỏa thích.

W-banh-chung-con-6.jpg

"Bố tôi bảo quanh năm có 1 ngày Tết để anh em con cháu sum họp. Vì thế, cứ mỗi năm Tết đến, ông lại gói bánh chưng cho các con. Tôi là con út nên năm nào cũng được bố gói cho cái bánh nhỏ đeo vào cổ chạy khoe khắp xóm", bà Phương nhớ lại tuổi thơ của mình.

Có một kỷ niệm ngày bé mà bà Phương nhớ mãi liên quan tới chiếc bánh chưng nhỏ đeo cổ. "Năm đó, bố sai cầm đèn bão đi gọi các chú hàng xóm đến gói bánh hộ bố. Tôi ra cổng thấy trời vẫn tối om, sợ quá cầm đèn quay về khóc um lên. Bố tôi hỏi vì sao và nói nếu thích có bánh đeo cổ thì đi gọi mọi người đến giúp đi".

Những ánh mắt đầy "ghen tị" của lũ trẻ khi em bé gái được đeo cổ chiếc bánh đầu tiên

Vậy là vì chiếc bánh chưng yêu thích, bà Phương đã vượt qua nỗi sợ hãi, vừa đi vừa sụt sịt khóc.

Muốn duy trì nếp nhà ý nghĩa, mỗi năm bà Phương đều tự mình đi mua sắm đồ về cho cả gia đình cùng quây quần gói bánh chưng. Và bao giờ bà cũng nhớ ưu tiên gói những chiếc bánh chưng con cho các cháu chắt của mình.

W-banh-chung-con-11.jpg

Chỉ ít phút sau, gần chục đứa cháu chắt đã ùa ra sân đùa nghịch với bóng bay, trên cổ lủng lẳng chiếc bánh chưng con