Làng và nhà ở của người Sán Dìu giống làng của người kinh ở đồng bằng Bắc bộ. Đó là ngôi nhà có tường rào quanh kín đáo, có cổng chắc chắn. Nhà thường được xây bằng gạch đỏ 3 hoặc 5 gian 2 chái, có hàng chân cột chạy ngoài hiên. Trên mái thường lợp ngói, có sân lát gạch đỏ rộng. Người Sán Dìu quan niệm nhà xây theo hướng chính, bếp xây sát đầu trái bẻ vuông góc chữ L hướng ra sân. Như vậy nhìn tổng thể ngôi nhà sẽ ấm cúng, vừa thuận tiện cho sinh hoạt.
Phần chính giữa trang trọng của ngôi nhà người Sán Dìu thường lập bàn thờ có 2 bát hương là tổ tiên và táo quân, nếu ai được cấp sắc thì có thêm bát hương pháp sư.
Người Sán Dìu chủ yếu làm ruộng nước, có thêm nương, bãi. Bên cạnh đó, còn có chăn nuôi, khai thác lâm sản, đánh bắt nuôi thả cá, làm gạch ngói, rèn, đan lát...
Từ lâu đời, người Sán Dìu đã sáng tạo ra chiếc xe quệt (không cần bánh lăn) dùng trâu kéo để làm phương tiện vận chuyển. Hình thức gánh trên vai hầu như chỉ dùng cho việc đi chợ.
Cách nhận dạng người Sán Dìu vẫn là ở bộ trang phục truyền thống. Y phục truyền thống của phụ nữ gồm khăn đen, áo dài đơn hoặc kép, nếu là áo kép thì bao giờ chiếc bên trong cũng màu trắng còn chiếc bên ngoài màu chàm dài hơn một chút; yếm màu đỏ; thắt lưng màu trắng, hồng hay xanh lơ; váy là hai mảnh rời cùng chung một cạp, dài quá gối có màu chàm; xà cạp màu chàm, trắng.
Đồ trang trí gồm vòng cổ, vòng tay, hoa tai và dây xà tích bằng bạc. Nam giới vấn khăn hoặc đội khăn xếp, áo dài thâm, quần trắng. Những ngày lễ tết, sự kiện trọng đại người Sán Dìu thường mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Trong cuộc sống đời thường ngoài quần áo phổ thông, người Sán Dìu vẫn hay mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Người Sán Dìu có làn điệu Soọng cô đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh. Soọng cô là cách hát giao duyên đằm thắm, thiết tha, trữ tình nhưng cũng đầy lãng mạn. Màn hát đối đáp có nam và nữ, thường hát về đêm. Có những màn hát thâu đêm suốt sáng vẫn chưa hết lời.
Thực hiện: Vũ Điệp, Hồng Kiên, Mạnh Hùng
(Thực hiện: Nhóm PV)