Dân tộc Bố Y, một trong 16 dân tộc rất ít người tại Việt Nam. Họ cư trú ở vùng núi cao, rải rác dọc biên giới Việt - Trung từ Lai Châu (huyện Phong Thổ) qua Lào Cai, Hà Giang, đến Cao Bằng (huyện Bảo Lạc).
Người Bố Y nói tiếng Bố Y, một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái trong ngữ hệ Tai-Kadai. Tôn giáo chính là thờ tổ tiên. Khi bố mẹ chết, con cái phải kiêng kỵ nghiêm ngặt trong 90 ngày đối với tang mẹ và 120 ngày đối với tang cha.
Người Bố Y ở nhà nền đất, tường trình, có một sàn gác vừa để lương thực vừa là chỗ ngủ của những người con trai chưa vợ hoặc phòng khi nhà có khách. Người Bố Y ngày xưa quan niệm bắt buộc phải có lò bếp trong nhà, nên bếp thường được đặt ở phía chái nhà.
Lễ cưới của người Bố Y tổ chức phức tạp. Chàng rể không đi đón dâu, cô em gái của chàng rể đi đón, dắt theo con ngựa để chị dâu cưỡi lúc về nhà chồng.
Đàn ông Bố Y mặc áo tứ thân, cổ viền, quần ống rộng. Trang phục nữ có áo trong và áo ngoài. Áo trong may kiểu áo tứ thân, 2 túi ở hai bên. Chiếc áo ngoài có phần cổ và tay thêu hoa hay đôi bướm sặc sỡ, đối xứng… Mái tóc của phụ nữ Bố Y được buộc gọn trong khăn, không lộ ra ngoài.
Người Bố Y sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy. Ðồng bào nuôi nhiều gia súc gia cầm, đặc biệt họ có nhiều kinh nghiệm nuôi cá. Trước đây, người Bố Y thường làm mộc, rèn, gốm, đục đá, chạm bạc.
Sinh hoạt văn hóa tinh thần trong đời sống của cộng đồng Bố Y được thể hiện qua lời ca, câu hát khi đi làm nương, làm nhà, đi chợ, lễ tết, hội hè, khi khách đến nhà, nam nữ hát giao duyên, trong đám cưới, trong nghi lễ…Điệu hát của người Bố Y không có nhiều âm điệu, tiết tấu, tất cả đều được hát theo một nhịp đều đều. Như người Bố Y nói, khi hát miễn sao kéo được giọng.
Trong những dịp đám cưới, hội thi hay giao lưu văn nghệ giữa các dân tộc, khi đã ngà men rượu, thì khi ấy mới bắt đầu cất tiếng hát. Xưa kia, khi chuẩn bị đón giao thừa, gia đình ngồi quây quần bên nhau, người già sẽ dạy hát cho các con cháu. Theo các cụ, tuy điệu hát không thay đổi nhiều, nhưng lối hát ngày nay nhẹ nhàng hơn, để dễ cho người kéo giọng.
Trong dân ca Bố Y thường gặp các từ như: “Tau, cấy tau” (chúng tôi, chúng em, chúng cháu); “Cấy xhâu”, “Xhâu” (các anh, các cháu); “Dầu” (chúng em, chúng cháu, chúng con); “lậc” (con); “mùng” (mừng); “mủng” (buồn, lo); “pùng”, “tùng pùng” (gặp nhau); “tùng san” (lấy nhau)...
Dựa vào nội dung của các bài dân ca Bố Y, có thể phân loại thành hai nhóm sau: hát trong lễ hội, lễ cưới và hát khi làm nhà mới, hát giao duyên.
Thực hiện: Tuyết Nhung, Vũ Phong, Trần Văn Minh