5 công ty công nghệ "gánh" cả sàn chứng khoán
Vừa qua, giá trị vốn hóa của Apple đã cán mốc 2 nghìn tỷ USD, một bước tăng trưởng gấp đôi so với chỉ 21 tuần trước đó. Đây cũng là thời điểm mà người ta nhận ra, những “người khổng lồ” công nghệ Mỹ đã đạt đến tầm vóc mới, dù trước đại dịch họ cũng kiếm lên đến hàng tỷ USD mỗi năm.
Cổ phiếu công nghệ đã giúp chỉ số chứng khoán nhóm S&P 500 lên mức cao kỷ lục hôm thứ Ba tuần này, ngay cả khi đại dịch đang hủy hoại nền kinh tế nói chung. Giá trị cổ phiếu của Apple, Amazon, Alphabet (sở hữu Google), Microsoft và Facebook kết hợp lại đã tăng 37% trong 7 tháng đầu năm nay.
5 công ty trên, hay còn được gọi là nhóm Big Tech, hiện chiếm 20% tổng giá trị của thị trường chứng khoán, một tỷ lệ chưa từng có trong ít nhất 70 năm qua. Trong khi đó, tất cả các cổ phiếu khác trong nhóm S&P 500 kết hợp lại giảm 6%.
Sự thăng hoa của các công ty công nghệ trên thị trường chứng khoán được tạo ra bởi khả năng phủ khắp mọi mặt đời sống. Big Tech định hình cách chúng ta làm việc, giao tiếp, mua sắm và giải trí. Xu hướng này càng trở nên rõ nét trong thời kỳ đại dịch.
Mọi người giờ đây mua sắm thường xuyên hơn trên Amazon, xem quảng cáo trực tuyến của Google hoặc Facebook nhiều hơn, hoặc sẵn sàng hơn khi mua một chiếc iPhone. Xu hướng có thể được nhìn thấy cụ thể hơn qua lượng lưu lượng truy cập web của Alphabet, Facebook và Amazon.
Lượng truy cập trên các trang web này vốn đã rất lớn trước đại dịch, nhưng còn tăng mạnh hơn từ tháng 3, vượt hơn 1 tỷ lượt truy cập hàng ngày ở Mỹ. Lượt truy cập Facebook tăng 15%, YouTube tăng 10%.
Trên toàn thế giới, vào tháng 6/2020, Facebook cho biết số lượng người dùng hàng ngày của nền tảng này cao hơn 12% so với một năm trước đó.
Đó là lý do vì sao các nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu công nghệ trong năm nay, sau khi bán đi cổ phần trong các ngành khác. Họ sẵn sàng đánh cược rằng vị thế của các công ty công nghệ sẽ không suy chuyển trong nhiều năm.
Sức mạnh ẩn sâu của Big Tech nhìn từ Amazon
Nhìn riêng trong mảng thương mại điện tử, Amazon vốn đã chiếm ưu thế ngất ngưởng so với các đối thủ, nay càng trở nên quan trọng hơn. Cổ phiếu của Amazon đã tăng hơn 50% so với trước đại dịch, thể hiện rằng các nhà đầu tư tin tưởng rằng công ty này được lợi từ giai đoạn giãn cách.
Theo một số chuyên gia, mức độ tập trung hóa ngày nay lớn hơn so với ngay cả giai đoạn cuối những năm 1800, thời điểm Quốc hội Mỹ phải thông qua đạo luật chống độc quyền sâu rộng, nhằm hạn chế quyền lực độc tôn trong ngành đường sắt khi đó.
Jan Eeckhout, giáo sư kinh tế tại Đại học Pompeu Fabra ở Barcelona (Tây Ban Nha) chia sẻ, vào năm 1929, Sears và A&P chiếm 3% doanh số thị trường bán lẻ. Như vậy là đủ để Quốc hội Mỹ đưa ra các luật chống độc quyền bổ sung vào năm 1936.
Ngày nay, Walmart và Amazon cùng chiếm tới 15% doanh thu thị trường bán lẻ.
Giá trị cổ phiếu của Apple, Amazon, Alphabet, Microsoft và Facebook kết hợp lại đã tăng 37% trong 7 tháng đầu năm nay. |
Đáng chú ý, Amazon còn chiếm ưu thế trong mảng điện toán đám mây, khi dịch vụ Amazon Web Services được rất nhiều doanh nghiệp trực tuyến sử dụng. “Amazon là một trung tâm kỹ thuật số thực sự”, ông Jonathan Welburn, chuyên gia công ty nghiên cứu RAND nhận định.
Trong một ngày làm việc tại nhà thông thường, một người có thể giao tiếp với đồng nghiệp bằng Slack, tham dự hội nghị truyền hình trên Zoom, đặt đồ ăn qua DoorDash, rồi xem phim trên Netflix vào buổi tối... Tất cả các nền tảng này đều chạy trên Amazon Web Services.
Tầm quan trọng của điện toán đám mây cũng có thể ví như động cơ của nền kinh tế hiện đại. Chi tiêu toàn cầu cho điện toán đám mây đã tăng 33%, lên hơn 30 tỷ USD trong quý 2/2020, theo hãng nghiên cứu Synergy Research cho biết.
Để trở thành một nhà cung cấp đầy đủ dịch vụ đám mây như Amazon, Microsoft và Google phải vô cùng tốn kém. Mỗi công ty chi tiêu ước tính từ 10 đến 15 tỷ USD mỗi năm cho các trung tâm dữ liệu và mạng đám mây của mình. Rất ít công ty trên thế giới có thể chịu chi phí như vậy.
Nhìn chung, đà tăng mạnh của cổ phiếu Big Tech cũng có thể chỉ do sự lạc quan quá mức của giới đầu tư, không loại trừ khả năng sẽ xuống dốc về sau. Nhưng nếu Big Tech cứ tiếp tục có lợi nhuận khổng lồ, họ vẫn sẽ chiếm ưu thế trên thị trường tổng thể.
Trong 12 tháng gần nhất tính đến hết tháng 6/2020, BigTech kiếm được lợi nhuận ròng tổng cộng gần 500 triệu USD mỗi ngày.
Anh Hào (Theo New York Times)
Các đại gia công nghệ thay đổi chiến lược để đối phó với Covid-19
Ba nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới bao gồm Samsung, Apple và Huawei đã và đang theo đuổi các chiến lược khác nhau để đối phó với đại dịch Covid-19.