Đa dạng “chiêu bẩn"
Như ICTnews đã phản ánh, các nhà cung cấp lớn như FPT, VNPT/VDC, Bkav, Nacencomm... đều chung mối lo thị trường dịch vụ chữ ký số công cộng dành cho doanh nghiệp bị bão hòa, khi đã có tới hơn 348.000 doanh nghiệp trong tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp tại Việt Nam đang dùng chữ ký số. Điều đáng lưu ý là hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong mảng kinh doanh khá đặc thù này.
Trao đổi với ICTnews, ông Trần Thế Hiển, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FSE FPT khẳng định: “Đã và đang có hiện tượng các cá nhân, đại lý, tổ chức bán chữ ký số sử dụng nhiều cách thức, những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh để thu hút người dùng, thu lợi nhuận. Có thể kể đến những hình thức như thông báo giả để đổi dịch vụ qua điện thoại, email giả danh cơ quan nhà nước hoặc nhà cung cấp, thậm chí thông báo chữ ký số không tương thích trên những phần mềm khai báo cần thông tin xác nhận chữ ký số như phần mềm khai thuế điện tử, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử… Thực tế, dịch vụ chữ ký số FPT.CA với thị phần không nhỏ trên thị trường cũng đang vướng phải những sự cạnh tranh này”.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện toán & Truyền số liệu VDC chia sẻ: “Đúng là hiện nay đang có sự cạnh tranh không lành mạnh ở mảng dịch vụ chữ ký số trong lĩnh vực kê khai thuế qua mạng với các hiện tượng như: các nhà cung cấp lôi kéo khách hàng của nhau, đưa ra thời hạn sử dụng của chữ ký số không đúng theo quy định của Bộ TT&TT. Hiện nay, giấy phép dịch vụ chữ ký số được Bộ TT&TT cấp cho các nhà cung cấp chỉ có thời hạn tối đa là 5 năm tương ứng với 60 tháng, nhưng đã có những nhà cung cấp đưa ra thời hạn cho khách hàng lên đến 63 tháng. VNPT/VDC cũng bị ảnh hưởng khá nhiều bởi sự cạnh tranh không lành mạnh này. Các khách hàng của chúng tôi luôn bị làm phiền bởi việc bị gọi điện đề nghị gia hạn, chuyển đổi nhà cung cấp trong khi thời hạn sử dụng của khách hàng còn khá dài, từ 6 tháng đến 1 năm. Bên cạnh đó việc không đồng đều trong tuân thủ quy định về việc cấp phát chữ ký số của nhà cung cấp trong khi VNPT/VDC luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định này cũng tạo nên sự không bình đẳng trong cạnh tranh với VNPT/VDC”.
“Việc cạnh tranh không lành mạnh là có thật. Nguyên nhân ở đây là một số đơn vị cung cấp do chạy theo lợi nhận nên bằng mọi cách để có được khách hàng”, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Phụ trách An ninh mạng của Công ty Bkav nhận xét.
Giải quyết cách nào?
Theo ông Trần Thế Hiển, các doanh nghiệp sử dụng chữ ký số cần tỉnh táo và liên lạc ngay với nhà cung cấp của mình để có thông tin chính thức về dịch vụ mỗi khi có đề xuất thay đổi nhà cung cấp hoặc thử chuyển đổi sang dịch vụ của nhà cung cấp khác.
“Để hướng tới một môi trường điện tử lành mạnh cho doanh nghiệp, thuận lợi hóa thương mại điện tử, chúng tôi thiết nghĩ cần có sự can thiệp, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, như thanh tra kiểm tra thường xuyên, xếp hạng các nhóm chất lượng dịch vụ… để doanh nghiệp, cá nhân có cơ sở lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số phù hợp với nhu cầu”, ông Trần Thế Hiển khuyến nghị.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Hồng Hải đề nghị Bộ TT&TT thực hiện kiểm soát chặt chẽ các quy định hiện hành trong Nghị định số 26 của Chỉnh phủ quy định chi tiết về chữ ký số và chứng thực số, thắt chặt việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số, đồng thời kiểm soát nghiêm về giá và các chương trình khuyến mại về dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Ông Ngô Tuấn Anh cũng cho biết: “Để đảm bảo cho sự phát triển chung của dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam, Bkav đã kiến nghị với cơ quan quản lý cần quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các nhà cung cấp, đặc biệt là các đại lý cung cấp chữ ký số, để đảm bảo tính an ninh của dịch vụ chữ ký số cũng như quyền lợi của khách hàng”.
Bên cạnh việc đề xuất, kiến nghị các cơ quan quản lý “vào cuộc”, các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số như FPT, VNPT/VDC, Bkav, Nacencomm… đều không ngừng cải thiện yếu tố dịch vụ và chất lượng nhằm chinh phục các “Thượng đế”.
“Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường như hiện nay, chủ trương duy trì dịch vụ của Nacencomm là chú trọng đẩy cao chất lượng phục vụ và cung cấp nhiều hơn các ứng dụng gia tăng giá trị sử dụng dịch vụ cho khách hàng”, ông Phùng Huy Tâm, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ thẻ Nacencomm chia sẻ thêm.
Kỳ 3: Hướng tới thị trường 90 triệu dân với chữ ký số mobile