Mới đây, Công ty Cổ phần đầu tư Thế giới di động (MWG) chính thức lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ phụ kiện công nghệ. Các sản phẩm khá phổ biến, dễ nhận thấy gồm sạc dự phòng, ốp lưng, cáp sạc, tai nghe, loa, chuột và bàn phím... mà trước đây, hệ thống này chỉ bán kèm với smartphone và thiết bị điện tử.
MWG là doanh nghiệp đầu tiên lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ phụ kiện với quy mô chuỗi cửa hàng, vốn trước kia chỉ dành cho các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ có tính chất tự phát.
Đây là mảng được nhận định là có nhiều tiềm năng, bởi bất kỳ người dùng nào sở hữu một chiếc smartphone, đều cần phụ kiện đi kèm. Ngoài ra, đây là thị trường cho lớp trẻ nên đòi hỏi mẫu mã phụ kiện cần đa dạng, đáp ứng được phong cách trẻ trung.
Theo các nhà phân tích, thị trường phụ kiện điện thoại năm 2020 đạt hơn 202 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 4,5%, dự kiến đến năm 2030 sẽ đạt được hơn 328 tỷ USD.
Mảng bán lẻ hàng công nghệ vốn là thế mạnh của MWG với hàng nghìn cửa hàng trải khắp cả nước, nhưng đến nay, thị trường này đang có dấu hiệu bão hòa. Vì thế, ông lớn này không chỉ mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ phụ kiện, mà nhiều năm nay, MWG còn lấn sân sang những lĩnh vực kinh doanh khác, như thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm với chuỗi Bách Hóa Xanh. Gần đây nhất, MWG lấn sân sang mảng bán lẻ thuốc khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cụ thể, đầu tháng 11/2021, MWG đã mua thêm 1,294 triệu cổ phiếu của chuỗi cửa hàng thuốc An Khang với giá trị hợp đồng lên 52,2 tỷ đồng, chính thức nắm giữ 100% cổ phần của chuỗi nhà thuốc này.
Để có một bước đi nhanh và táo bạo trong thị trường bán lẻ thuốc, MWG thay vì 2-3 năm đi tìm hiểu mở rộng hệ thống kinh doanh, tập đoàn bán lẻ xác định thâu tóm toàn bộ nhà thuốc này. Sau khi An Khang nhượng 49% cổ phiếu cho MWG vào tháng 4/2021, ngay trong quý 3 năm đó, MWG đã lỗ lũy kế 16,9 tỷ đồng từ An Khang, tổng vốn đầu tư từ 62 tỷ đồng xuống còn 42 tỷ đồng tại thời điểm đó.
Còn chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh, được MWG ra mắt vào cuối năm 2015, hệ thống này đã nhanh chóng tăng số lượng cửa hàng lên 200 vào quý III/2017. Theo thống kê của Bách Hóa Xanh, đến 8/2021, hệ thống bán lẻ này đã có 2000 cửa hàng ở khắp các tỉnh thành ở miền Nam, miền Đông và Nam Trung Bộ.
Các ông lớn “quay xe” lấn sân sang những mảng mà xưa nay chưa từng nghiên cứu và tìm hiểu thị trường. Tuy nhiên, với nguồn lực tài chính lớn, các đại gia bán lẻ sẵn sàng chi mạnh tay để đạt được những tham vọng khác, ngoài lĩnh vực không còn nhiều cơ hội tăng trưởng như thị trường bán lẻ công nghệ hiện nay.
Một ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ hàng công nghệ khác là FPT cũng lấn sân sang thị trường bán lẻ thuốc, đó là việc Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) tiến hành mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu - một thương hiệu lâu đời và có tiếng hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm tại TP.HCM
Trong báo cáo tài chính quý IV, lũy kế năm 2021, FRT đạt doanh thu hợp nhất là 22.500 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2020, gấp 1,4 lần mục tiêu đặt ra trong năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần, gấp 4,6 lần kế hoạch lợi nhuận so với năm trước.
2021 là một năm thắng lợi lớn của FRT khi chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu đạt doanh thu 3.977 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2020. Tuy lợi nhuận thấp, nhưng FPT Long Châu đã vượt trước hai năm so với kế hoạch đặt ra của lãnh đạo FRT.
Ngoài ra, một công ty bán lẻ khác là Nova Retail, công ty thành viên của Nova Group, đang điều hành toàn bộ hệ thống chuỗi thời trang, phụ kiện, mỹ phẩm và hệ thống cửa hàng tiện lợi, phục vụ cho các điểm du lịch hoặc các dự án của ông lớn bất động sản Nova Group. Nova Retail đặt mục tiêu trở thành đại lý phân phối cho các thương hiệu lớn, đồng thời, phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Express.
Ngọc Cương