Doanh nghiệp 6,3 tỷ đô: "Tôi làm gì có tiền"
Câu chuyện hy hữu tuần qua khi một một doanh nghiệp đã đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD). Trụ sở chính tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Doanh nghiệp có 3 cổ đông sáng lập là bà Kim Thị Phương (thường trú huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%). Ông Nguyễn Hoàn Sơn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) góp 57.600 tỷ đồng chiếm 40% vốn điều lệ. Cổ đông thứ ba là ông Trần Gia Phong (huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%).
Với số tiền khủng như vậy, ngay cả các tỷ phú lớn cũng phải ngả mũ. Chính vì thế, thông tin doanh nghiệp này đã ngay lập tức thu hút dư luận. Tìm hiểu, mọi người mới ngã ngửa ra khi bản thân cổ đông cũng giật mình vì được báo chí phỏng vấn.
Chơi trội đăng ký vốn 6,3 tỷ USD vượt mặt ông lớn |
Bà Phương, một cổ đông cho hay: “Họ nhờ địa chỉ nhà tôi làm văn phòng đấy mà, tôi có biết gì đâu. Họ cầm chứng minh thư để đi làm, bảo ký thì tôi ký chứ mình biết gì đâu. Nếu họ bảo phải đóng 100 triệu vào đây, thì ai dám ký. Còn giờ có mất cái gì của mình đâu. Cứ nói mồm thế, làm được thì làm, chẳng được thì thôi”.
“Tiền đâu ra mà góp, tiền ăn, nuôi con còn chẳng đủ. Thực sự nhà tôi ăn bữa nọ, chạy bữa kia, nhà còn đang cắm cái đây này. Sang tên cho người ta rồi mà giờ còn chưa có tiền chuộc lại được, làm gì có đồng nào”, bà Phương tâm sự.
Sau khi bị dư luận nhiều quá, bà Phương cho hay đã đi xin hủy bỏ hồ sơ, hủy bỏ công ty rồi. “Giấy tờ đầy đủ rồi, thứ hai này ra là xong thôi. Khổ quá, mấy ông kia uống rượu vào, nhiều chữ số quá nên ghi nhầm vào đấy”, bà Phương nói.
Thâu tóm 600 tỷ, đại gia kín tiếng lộ diện
Theo tin từ Sở GDCK Hà Nội, ngày 19/2/2020 vừa qua ông Nguyễn Tuấn Anh, một nhà đầu tư cá nhân, đã mua vào gần 11,5 triệu cổ phiếu VCP của CTCP Đầu tư phát triển năng lượng Vinaconex (Vinaconex Power).
Số cổ phiếu ông Nguyễn Tuấn Anh mua vào tương ứng 20,16% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyêt đang lưu hành của Vinaconex Power. Trước giao dịch, ông Tuấn Anh không sở hữu cổ phiếu nào.
Cũng trong ngày 19/2 xuất hiện giao dịch thỏa thuận gần 19,5 triệu cổ phiếu VCP với giá thỏa thuận bình quân 55.000 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá này, ông Tuấn Anh đã chi khoảng 630 tỷ đồng để mua số cổ phiếu trên.
Ái nữ nhà Tân Hiệp Phát chi hơn 300 tỷ đồng mua cổ phiếu
Bà Trần Uyên Phương, ái nữ nhà Tân Hiệp Phát, vừa trở thành cổ đông lớn sau khi tăng sở hữu 6,7 triệu cổ phiếu Tập đoàn Yeah1 (YEG), tương đương 21,61% vốn. Mục đích mua cổ phiếu để đầu tư cá nhân.
Giao dịch thực hiện qua phương thức thỏa thuận từ ngày 17-19/2 với khối lượng lần lượt 1,63 triệu, 1,42 triệu và 3 triệu cổ phiếu. Tổng cộng, bà Phương mua vào hơn 6 triệu cổ phiếu YEG với mức giá khoảng 50.000 đồng/cp, tương ứng với số cổ phiếu mà hai lãnh đạo chủ chốt là ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch HĐQT và ông Đào Phúc Trí - Tổng Giám đốc bán ra cho đối tác chiến lược.
Bà Trần Uyên Phương, ái nữ nhà Tân Hiệp Phát |
Bà Phương là con gái ông Trần Quý Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Thành lập năm 1994, Tân Hiệp Phát là một trong những doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh lớn nhất Việt Nam.
Cái “tham” cái “muốn” trở thành “cái tai hại"
Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HVG - chia sẻ tại ĐHCĐ: "Đáng lẽ chúng tôi đã làm được kế hoạch này 3 năm trước, nhưng do dòng vốn từ ngân hàng chậm trễ nên không thể làm, không được sự ủng hộ của ngân hàng dẫn đến cái ‘tham’ cái ‘muốn’ của tôi trở thành cái tai hại".
Doanh thu 2019 của HVG giảm gần 50% so với năm 2018, lỗ thuộc cổ đông công ty mẹ lên đến 1.075 tỷ sau kiểm toán, dẫn đến tổng lỗ luỹ kế tính đến ngày 30/9/2019 (kết thúc niên độ 2018-2019) là 1.489 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, HVG đã đầu tư tổng cộng trên 1.800 tỷ cho mảng chăn nuôi heo nhưng phần lớn vốn được sử dụng từ nguồn ngắn hạn. Mặc dù được ngân hàng phê duyệt hạn mức khoảng 4.000 tỷ đồng cho trung và dài hạn nhưng thực tế đến nay mới chỉ giải ngân 800 tỷ. Theo HVG, việc này dẫn đến sự bế tắc vốn triển khai dự án cũng như khai thác sản xuất.
Vua tôm gặp khó khăn |
HVG đã tiến đến đạt được sự ký kết chiến lược với THACO. Theo nội dung hợp tác chiến lược được ký vào ngày 9/1, THADI (Công ty nông nghiệp của THACO) sẽ sở hữu 35% vốn HVG và nắm 65% vốn trong liên doanh giữa Hùng Vương và THADI phát triển mảng sản xuất heo giống. Tính đến nay, THADI đã sở hữu 24,28% vốn Hùng Vương, ứng với 53,9 triệu cổ phiếu. Năm 2020, HVG tiếp tục sẽ phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu để tăng vốn, đối tượng chào bán dự kiến là THACO cùng các bên liên quan.
Con trai bầu Hiển giàu hơn Trầm Bê
Đầu tháng 2, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết ông Đỗ Vinh Quang, con trai bầu Hiển, đã mua thành công 35,9 triệu cổ phiếu SHB từ ngày 15/1-3/2/2020 theo phương thức khớp lệnh trên sàn.
Sau giao dịch, ông Đỗ Vinh Quang sở hữ 2,98% tỷ lệ vốn ngân hàng SHB. Trong thời gian diễn ra giao dịch, giá cổ phiếu SHB dao động từ 6.000 đồng tới 6.500 đồng/CP. Như vậy, ông Đỗ Vinh Quang đã phải chi ra từ 215-235 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Sau khi ông Quang mua vào cổ phiếu SHB, thị trường đã trải qua 24 ngày. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, cổ phiếu SHB đã tăng 3.100 đồng/CP, tương đương 48%. Điều đó đồng nghĩa với việc tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Đỗ Vinh Quang cũng tăng tới 48%. Như vậy, giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Quang đạt khoảng 330 tỷ đồng.
Ông Quang đã lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Vị trí của ông Quang được cải thiện theo ngày. Cuối ngày 28/2, ông Quang tiến sát Top 150. Vị trí hiện tại của ông Quang l51.
MC Long Vũ xin rút lui khỏi vị trí sếp lớn
Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) chuẩn bị triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 27/2 để miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ miễn nhiệm 1 thành viên ban kiểm soát.
3/5 thành viên HĐQT VTVCab đã nộp đơn từ nhiệm, trong đó có ông Trịnh Long Vũ. Ông Trịnh Long Vũ sinh năm 1974, được khán giả biết đến qua vai trò MC các chương trình truyền hình trên kênh sóng của VTV, đặc biệt là Chiến nón kỳ diệu. Từ năm 2011 đến nay, MC Long Vũ giữ vị trí Trưởng ban biên tập Truyền hình Cáp thuộc Đài truyền hình Việt Nam.
Trong đơn từ nhiệm, MC Long Vũ cho biết xin thôi giữ vị trí HĐQT VTVCab theo sự phân công nhiệm vụ của Đài Truyền hình Việt Nam.
Đây cũng là lý do từ nhiệm của một thành viên HĐQT VTVCab khác là ông Nguyễn Hữu Long.
Thành viên HĐQT còn lại từ nhiệm là ông Nguyễn Trung Huấn cho biết xin thôi nhiệm vụ vì công việc cá nhân nên không sắp xếp được thời gian đảm nhận nhiệm vụ.
Bảo Anh