Con đường sắp tới để thông qua TPP ở cơ quan lập pháp sẽ có nhiều gập gềnh
khúc khỉu, và chưa ai nói chắc được điều gì.
LTS: Vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc tại Alanta được báo chí và các nhà bình luận ví như một sự kiện lịch sử. Không chỉ ở quy mô, mức độ bao phủ, các thành viên tham gia, mà cả tác động của TPP đều có thể tạo ra cục diện mới về thương mại, chính trị lẫn quan hệ chiến lược của các quốc gia tại khu vực Thái Bình Dương.
Tuy vậy kết thúc đàm phán TPP có thể bắt đầu cho một loạt “đàm phán” mới ở quy mô phức tạp, gay cấn và đa chiều hơn. Đó là nhận định của TS Trương Minh Huy Vũ, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) thuộc ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn TP. HCM. Trong đó, trước mắt là thương thuyết giữa các Chính phủ (những người đại diện quốc gia đàm phán) với Quốc hội và công luận mỗi nước.
- Trái với nhiều ý kiến hồ hởi về TPP, tại sao ông lại cho rằng kết thúc bắt đầu cho một “đàm phán” mới, phức tạp và gay cấn hơn?
Để bắt đầu, có hai điểm cần chú ý: Một, “đại dự án” TPP đến thời điểm này vẫn chỉ là một lời cam kết và vì đàm phán diễn ra trong các cánh cửa khép kín nên những gì chúng ta “biết” về dự án này là những mảnh ráp rời rạc, hoặc tính toán và suy đoán của các chuyên gia.
Sau Atlanta, giai đoạn hậu đàm phán kéo dài với các hoàn tất về kỹ thuật. Các chuyên viên pháp lý sẽ làm việc để hoàn thiện bản hiệp định cuối cùng. Sau đó, toàn văn thỏa thuận TPP sẽ được công bố. Điểm đến của bản hiệp định sẽ đưa về mỗi quốc gia thành viên thông qua với quy trình phê duyệt lập pháp riêng.
Vì vậy, “thương thuyết” đầu tiên là giữa các Chính phủ (những người đại diện quốc gia đàm phán) với Quốc hội và công luận mỗi nước. Thương thuyết này có thể chỉ là một thủ tục ở một số nước, nhưng có thể là một “cửa ải khó vượt” ở một số nước còn lại.
Đa số các trường hợp, các cơ quan dân cử có quyền phủ quyết hoặc thông qua toàn bộ gói hiệp định mà không có quyền thay đổi từng điều khoản chi tiết. Vì thế quá trình phê chuẩn phụ thuộc nhiều vào tương quan sức mạnh và uy tín của Đảng cầm quyền so với các phe phái chính trị quốc nội khác.
- Hàm ý ở đây là khả năng TPP sẽ gặp khó khăn trong quá trình phê chuẩn của Quốc hội các quốc gia, hoặc trong trường hợp xấu nhất bị cơ quan lập pháp của một trong 12 nước chặn lại hay phủ quyết?
Không nhất thiết là như vậy, tùy thuộc vào quy định tại các nước thành viên TPP. Nhưng con đường sắp tới để thông qua TPP ở cơ quan lập pháp sẽ có nhiều gập gềnh khúc khỉu, và chưa ai nói chắc được điều gì.
Thời điểm công bố toàn văn hiệp định sẽ là cơ hội để thảo luận về những cơ hội và thách thức của TPP với dữ liệu thực chất, thay vì chỉ là phỏng đoán ban đầu. Việc giải mật hoàn toàn các thỏa thuận sẽ tạo ra những thảo luận sôi nổi về việc liệu thỏa thuận này có đúng như mong đợi. Qua đó tình hình chính trị đối nội của mỗi quốc gia sẽ được hâm nóng với những làn sóng ủng hộ-phản đối đa chiều. Vì TPP bao trùm nhiều lãnh vực, nhiều vấn đề, mang hàm ý cả chính sách kinh tế, lẫn chiến lược nên mục tiêu của các nhóm phản đối và tán thành cũng sẽ mang yếu tố lồng ghép, và được tận dụng để làm chính trị.
Truyền thông quốc tế nói về nói nhiều về trường hợp của Mỹ khi chính phủ của Tổng thống Obama trước thềm bầu cử đang phải đối mặt với hai trở lực cùng một lúc. Những người cùng Đảng Dân chủ của ông sẽ cảm thấy khó chịu vì những nhượng bộ về quyền lao động. Còn đối thủ của ông, các đại biểu Đảng Cộng hoà sẽ tức giận với những thoả hiệp loại bỏ ngành công nghiệp thuốc lá ra khỏi cơ chế tranh chấp đầu tư, hay đồng ý rút ngắn loại bỏ độc quyền các loại sản phẩm y sinh (biologics).
Ở xứ láng giềng Canada và bên kia bờ Thái Bình Dương tại đất nước Malaysia, hai Thủ tướng Stephen Harper của Canada và Najib Razak của Malaysia cũng đang đứng trước những thách thức đối nội. Các cáo buộc tham nhũng làm cho thủ tướng Malaysia “đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình”, đi cùng các sức ép với các chính sách của ông. Ở Canada, bầu cử sắp diễn ra với kết quả khó tiên đoán trước. Một trong các đối thủ của ông từ Đảng cánh hữu đã cáo buộc chính sách TPP của Chính phủ “hy sinh” các trang trại nông dân và “bán đứng” giới công nhân lắp ráp ô tô.
Hoặc như lợi ích kinh tế Mỹ và Nhật Bản. Hai quốc gia có tên trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa bao giờ đi đến bất kì thỏa thuận song phương nào. Thế nhưng khi tham gia TPP năm 2013, Nhật Bản đã thúc đẩy các đối thoại về mọi lĩnh vực, từ ô tô đến thịt bò, gạo và thịt heo với Mỹ. Kết quả là một thỏa thuận thương mại không chính thức giữa hai bên, kèm theo đó là việc gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa hai quốc gia.
Bức màn bí mật xung quanh các điều khoản chi tiết về những con số và thời hạn cam kết khiến chúng ta không nắm được những phản ứng khác nhau giữa các nhóm lợi ích từ bên trong. Những gì công luận biết được trên các phương tiện thông tin đại chúng là quan ngại của ngành chế biến phụ tùng xe hơi ở Mỹ, hay đe doạ hàng rào thuế quan đối với nhóm mặt hàng thịt lợn, thịt bò xuất khẩu của Mỹ vào đất nước Phù Tang.
- Như vậy, một hiệp định mang tính chiến lược như TPP (mà như Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Asha Carter từng ví von là “quan trọng như bổ sung một chiếc hàng không mẫu hạm cho hạm đội Mỹ trong khu vực”) vẫn dùng dằng giữa những lợi ích cục bộ từ trong mỗi nước?
TPP trước hết là một hiệp định thương mại tự do. Phạm vi điều chỉnh của TPP liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng khác nhau, nên xuất hiện nhiều nhóm lợi ích trong lòng mỗi quốc gia. Các nhóm này ra sức vận động hành lang qua cả hai kênh hành pháp lẫn lập pháp để chống lại hay cổ súy hiệp định.
Đại diện của 12 Chính phủ là những người đại diện TPP trong quốc nội. Họ phải là những người bảo vệ, thúc đẩy và thiết lập những lộ trình thực thi cho TPP một cách mạnh mẽ và minh bạch nhất. Những chỉ trích “đàm phán bí mật” hay “bán đứng ngành này và nhóm khác” cần được trả lời bằng những con số và tính toán chi tiết và rõ ràng.
Quan trọng hơn, lập luận và lựa chọn của đoàn đàm phán đằng sau những con số đó là gì, tổng hòa lợi ích được mất của mỗi quốc gia ra sao và Chính phủ đã chuẩn bị cho những lộ trình điều chỉnh của các ngành công nghiệp, các nhóm bị tác động bởi TPP như thế nào.
TPP không phải là đũa thần, cũng chưa phải là đích đến, đây cũng không phải là bậc thang cao chót vót để một quốc gia nào đó đùng một cái đứng ngay trên lưng người khổng lồ. Đó đơn giản chỉ là sân chơi với những luật chơi cụ thể và mỗi người tham gia phải lựa chọn có điều kiện để đạt được lợi ích cao nhất từ sân chơi đó.
Những điều khoản cam kết sắp được công bố và lộ trình thực thi của mỗi nước sẽ là vòng “thương thuyết” quan trọng tiếp theo. Các nhóm lợi ích kinh tế, xã hội và từng cá nhân sẽ chọn cách phản ứng của mình. Đánh đổi, tổn thương và sức ép điều chỉnh - theo nhiều khía cạnh - là những từ khóa có thể dần thay thế những hồ hởi ban đầu. Vì thế những đắn đo, dùng dằng hay thậm chí phản đối hiệp định là một quá trình bình thường của một xã hội dân chủ.
(Còn tiếp)
Nguyễn Hoàng