Gần 10 năm, báo chí dài cổ “kêu” thay người dân xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) về tình cảnh “đi cũng dở, ở không xong” khi phải sống chung với dự án NM xi măng Thanh Sơn “chết yểu”.

{keywords}

Nhiều diện tích đất hai lúa bị ngập úng, không thể sản xuất do NM xi măng Thanh Sơn

Cũng chừng ấy năm, địa phương chưa đưa ra được giải pháp nào lấy lại niềm tin của bà con. Chiếc “bánh vẽ” về sự hoành tráng của NM xi măng Thanh Sơn chưa thấy đâu nhưng những hệ lụy mà dự án này gây ra cho hàng trăm hộ dân xã Thúy Sơn đã kéo dài gần chục năm nay.

Mất nhà, mất đất sản xuất, mất nghề nghiệp, tính mạng bị đe dọa vì tường bao chực chờ đổ xuống…, tất cả đang khiến chính quyền, người dân nơi đây hết sức bức xúc.

Hoang phế 36ha đất

Tháng 12/2007 dự án NM xi măng Thanh Sơn được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, công suất 2.500 tấn clinker/ngày, do Công ty CP Đầu tư và thương mại Thăng Long (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là sản xuất xi măng chất lượng cao, nhằm cung cấp cho thị trường miền tây Thanh Hóa, các địa bàn nằm hai bên đường Hồ Chí Minh và XK sang nước bạn Lào, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách Nhà nước trên địa bàn.

Theo kế hoạch phía chủ đầu tư đưa ra, dự án sẽ đi vào hoạt động từ quý IV năm 2010. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên gần 10 năm qua những thứ người ta nhìn thấy ở dự án này chỉ là bốn bức tường hoen ố bao quanh, trong đó, nhiều bờ tường đang chực chờ đổ sập xuống đất lúa của người dân và đường giao thông nông thôn, đe dọa tính mạng người đi đường.

Bên cạnh đó, khu nhà ở, ăn uống của công nhân cũng hoang phế như nhà hoang, cỏ mọc gần lút khu nhà, nhiều ô cửa kính bị đập phá, cửa ra vào, cửa sổ bị kẻ xấu tháo dỡ mang đi…

{keywords}

Hoang phế khu nhà ở, nhà ăn của công nhân

Hơn 36ha đất 2 lúa màu mỡ nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, trong khi gần 200 hộ dân thuộc 4 thôn Thanh Sơn, Lương Sơn, Hồng Sơn và Vân Sơn thiếu đất sản xuất. Ngoài ra, 37 hộ dân phải di dời hoàn toàn nhà cửa đi nơi khác để nhường đất cho dự án đang như ngồi trên đống lửa vì đất mới ở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Hoàng Văn Toản, thôn trưởng thôn Vân Sơn cho hay, trước khi dự án về đầu tư trên địa bàn, Vân Sơn được đánh giá là vựa lúa của xã Thúy Sơn. Thời điểm ấy, năng suất lúa bình quân đạt 2,5 tạ/sào, bây giờ tăng lên 3 tạ/sào.

65 hộ dân với hơn 260 nhân khẩu là người dân tộc Mường chủ yếu sống dựa vào 12,5 ha đất sản xuất. Năm 2007, thực hiện chủ trương của cấp trên, người dân trong thôn hồ hởi nhường hơn 9 ha đất cho dự án. “Những tưởng đời sống của chúng tôi bước sang trang mới. Ai ngờ dự án “đắp chiếu” từ bấy đến nay đã gây ra bao hệ lụy. Nhiều nhà lấy tiền đền bù cho con đi học nghề rồi thất nghiệp; có những hộ vay mượn tiền xây nhà trọ, cửa hàng ăn, phòng hát karaoke rồi nợ nần chồng chất. Quan trọng nhất là vấn đề việc làm thì nay hầu hết phải bỏ đi làm ăn xa vì mất đất sản xuất”, ông Toản bức xúc nói.

{keywords} 

Hàng chục ha đất “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang gần 10 năm nay

Gia đình ông Toản có 4 sào ruộng và một phần diện tích đất ở bị thu hồi nhường cho NM xi măng Thanh Sơn. Số tiền đền bù thời điểm năm 2007 được 107 triệu đồng. Sau khi nhận tiền dù chi tiêu dè xẻn nhưng đến nay số tiền đấy cũng không còn đồng nào.

Không chỉ người dân chịu hệ lụy, chính quyền huyện Ngọc Lặc ngoài việc phải chi 200 triệu đồng tiền từ ngân sách để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, UBND huyện còn phải đối mặt với sức ép của dư luận, của người lao động chờ việc sau đào tạo; của những người nông dân không còn đất canh tác...

Ông Toản bảo: “Nói thật, dân mất đất là mất luôn miếng cơm manh áo. Bây giờ thời “tấc đất tấc vàng” rồi, một sào đất ngoài làm 1 vụ lúa, bà con trồng hành chăm chỉ cũng thu về 5 tạ/sào, nhà nào thâm canh tốt còn đạt 7 tạ/sào, bán với giá 6.000đ/kg, nông dân thu 30 – 42 triệu đồng/sào”.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Phạm Văn Phòng ở thôn Thanh Sơn có 1,3/4,8 sào đất bị thu hồi. Theo ông Phòng, mặc dù diện tích bị thu hồi không lớn nhưng trên diện tích ấy nếu mưa thuận gió hòa, mỗi năm gia đình ông cũng thu được 2,5 tạ lúa; gần 2 tạ ngô, đủ để không phải chạy vạy cái ăn. “Chúng tôi rất quý đất sản xuất nên khi nhìn vào khu đất rộng mênh mông trong NM xi măng bỏ hoang nhiều năm liền chúng tôi xót xa lắm”, ông Phòng nói.

Ly hương kiếm sống

Thiếu đất sản xuất, hầu hết người dân trong độ tuổi lao động thuộc khu vực dự án phải ly hương vào Nam, ra Bắc làm công nhân kiếm sống. Gia đình ông Phòng, sau khi nhận 42 triệu tiền đền bù, ông dồn hết cho cậu con trai Phạm Văn Phương (SN 1992) học trường Trung cấp nghề kỹ thuật xi măng Hải Phòng. Hết tiền đền bù, khóa học của con vẫn chưa hoàn thành, cả gia đình lại bán lợn, bán gà, thắt lưng buộc bụng góp tiền gửi cho con ăn học.

{keywords}

Ông Phạm Văn Phòng bức xúc khi nhắc đến dự án nghìn tỷ “chết yểu”

Ra trường, thay vì được nhận vào làm ở NM xi măng Thanh Sơn như “lời hứa” của chủ đầu tư dự án, Phương phải vào tận Bình Dương làm công nhân, được một năm Phương quay ra Hải Phòng tiếp tục đời công nhân. Cả gia đình ông Phòng rơi vào vòng luẩn quẩn.

Cách nhà ông Phòng không xa, ông Phạm Đình Hòa ở thôn Vân Sơn thở dài lo lắng vì miếng đất đang ở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình ông Hòa nhường nhà ở và 4 sào đất hai lúa cho dự án.

Được sự “ưu ái” của chủ đầu tư, hai đứa con của ông được cho đi học nghề để về làm công nhân cho NM xi măng. Oái oăm thay, hoàn thành khóa học, câu anh Phạm Văn Thuận hết vào Nam lại ra Bắc làm công nhân, sau khi lấy vợ, sinh con xong Thuận để cho ông bà nuôi rồi tiếp tục tay xách nách mang ly hương kiếm sống.

Cô em gái của Thuận cũng lấy chồng rồi ở nhà nuôi con, không có việc làm. Theo thống kê sơ bộ của ông Hoàng Văn Toản, bình quân 5 năm lại đây thôn Vân Sơn có đến gần 50% số khẩu trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa.

Trong đó, có 7 hộ đi hết cả nhà như hộ ông Tâm (3 người), ông Tiếp (4 người), ông Hoàn (3 người), ông Thư (5 người), ông Huân (2 người)… Ông Toản chua xót đặt tình huống: “Nếu giờ mà trong làng có hỏa hoạn thì không biết huy động ai đi chữa cháy nữa!”....

Theo Báo Nông nghiệp