Sáng nay (3/4), phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần tranh tụng của đại diện viện kiểm sát (VKS) đối với phần bào chữa bổ sung của các luật sư.

Tranh luận lại quan điểm bào chữa của luật sư về đề nghị phải trưng cầu giám định thiệt hại và việc cơ quan tố tụng không căn cứ vào kết quả định giá của công ty Hoàng Quân, đại diện VKS khẳng định: Việc định giá trong tố tụng hình sự không phải căn cứ vào kết quả định giá; cơ quan tố tụng tiến hành thu thập bằng nhiều biện pháp khác và không áp dụng định giá tài sản để đánh giá vụ án.

Vị đại diện VKS “nhắc” luật sư cần nghiên cứu lại Bộ luật Hình sự và hồ sơ của vụ án.

truongmylan.gif
Bị cáo Trương Mỹ Lan

Theo đại diện VKS, để chiếm đoạt tài sản của SCB,  bị cáo Trương Mỹ Lan đã thực hiện một chuỗi hành vi sai phạm. Điều này đã được thể hiện ở cáo trạng và phần tranh tụng trước. Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo thực hiện quy trình cho vay ngược để chiếm đoạt tài sản.

Quan điểm của VKS về tội danh “Nhận hối lộ” của Trương Mỹ Lan

Liên quan tới tội danh “Tham ô tài sản”, một số luật sư cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo không thỏa mãn yếu tố người có chức vụ quyền hạn nên không đủ căn cứ để truy tố bị cáo Trương Mỹ Lan tội danh này.

Tuy nhiên, theo VKS, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức. Các bị cáo thực hiện chuỗi sai phạm, người sau tiếp cận sai phạm người trước để nối tiếp. Với SCB thì Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc là người điều hành. Ở góc độ chứng minh tội phạm, VKS cho rằng sự thật khách quan vụ án chỉ có một nhưng những điều giống như sự thật thì có nhiều, tùy vào góc độ quan sát và lăng kính từng người.

Những quan điểm khác nhau của VKS và luật sư sẽ được HĐXX đánh giá trong quá trình nghị án.

VKS cũng cho rằng cách tiếp cận và phương pháp xác định lập luận của luật sư bảo vệ cho bị cáo Trương Mỹ Lan là theo mô hình tách bị cáo ra khỏi hệ thống SCB và tiếp cận theo góc chức vụ quyền hạn. Còn VKS tiếp cận theo hướng rộng hơn, xem xét toàn bộ cơ cấu bộ máy SCB, sai phạm từ đại hội đồng cổ đông tới các cấp dưới. 

Theo VKS, kết quả thẩm tra tại phiên tòa và hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Lan sở hữu 91,5% cổ phần SCB. Việc sở hữu, quản lý như vậy đã vi phạm quy định của Luật Tổ chức tín dụng. Bị cáo Lan nắm quyền sở hữu cổ phần gần như tuyệt đối, tham gia đại hội đồng cổ đông, sử dụng quyền lực để bầu ra HĐQT, ban kiểm soát, đưa người thân vào quản lý, biến SCB thành công cụ huy động tiền.

Do đó, căn cứ theo Điều 17, Bộ luật Hình sự quy định về đồng phạm, VKS xác định bị cáo Lan là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu có hành vi chi phối, chỉ đạo các bị cáo để giúp bà chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, có đủ căn cứ truy tố xét xử bị cáo Lan về tội “Tham ô tài sản”. 

Đối với việc các luật sư viện dẫn Điều 353, Bộ Luật Hình sự quy định “người nào có chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý” mới là tham ô tài sản còn bị cáo Lan không giữ chức vụ gì trong SCB nên không thể quy kết bị cáo tội “Tham ô tài sản”,  đại diện VKS khẳng định bị cáo Lan nắm quyền cao nhất SCB, điều hành các bị cáo có chức vụ khác tại SCB. Chức vụ các bị cáo tại SCB là do bị cáo Lan bổ nhiệm.

“Không có lý do gì nói bị cáo không phải là chủ thể, theo Điều 353" - vị đại diện VKS nêu quan điểm.

bicao-1.gif
Các bị cáo tại tòa

Về quan điểm của luật sư cho rằng SCB lấy đâu ra tiền để cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt, đại diện VKS cho rằng đây là quan điểm bào chữa vô căn cứ, chứng tỏ luật sư không nghiên cứu hồ sơ vụ án. 

Theo đại diện VKS, bị cáo Lan không có nhiều tài sản như bị cáo trình bày, cũng không có nguồn lực tài chính dồi dào. Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Lan có rất nhiều khoản nợ tại Ngân hàng Tín Nghĩa. Đại diện VKS đặt câu hỏi tại sao bị cáo Lan có nhiều tài sản nhưng không tất toán các khoản nợ cũ mà sử dụng SCB huy động tiền gửi của dân?

“Tiền ở đâu bị cáo chiếm đoạt? Là tiền huy động của dân. Ngân hàng Nhà nước đã gồng mình cho SCB vay khoản tiền khổng lồ để chi trả dân, ổn định tình hình tài chính, không biết khi nào thu hồi đủ. Số tiền khổng lồ này đáng lẽ sử dụng vào nhiều mục đích khác cho chúng ta, con cháu chúng ta. Luật sư nói bị cáo chiếm đoạt tài sản làm gì? Để mua nhiều bất động sản" - đại diện VKS nói.

Theo đại diện VKS, trước năm 2012, bị cáo chỉ có 60 tài sản, số 1.109 tài sản còn lại là mua sau năm 2012.

Đại diện VKS cũng tỏ ra bức xúc trước phần bào chữa của luật sư Trương Thanh Đức, khi ông này nói lần đầu tiên trong lịch sử đề nghị tử hình một doanh nhân.

“Luật sư không biết rằng chưa bao giờ trong lịch sử có một nữ doanh nhân sử dụng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt số tiền lớn đến mức không có từ nào để diễn tả. Tài sản bị cáo đưa vào là phương thức thủ đoạn phạm tội, bất cứ lúc nào cần bị cáo rút ra, nâng khống tài sản đảm bảo chứ không phải tự VKS lập luận” - đại diện VKS nhấn mạnh.