Thế giới dưới lệnh phong toả
Hàng tỉ người trên thế giới đang phải sống dưới lệnh phong toả và giới hạn di chuyển, trong đó có 2/3 dân số 1,34 tỉ người của Ấn Độ, nhiều quốc gia trong khu vực EU, toàn nước Anh và 16 bang trong nước Mỹ. Người dân tại các khu vực này được yêu cầu không ra đường, ngoại trừ một số nhu cầu thiết yếu. Một số quốc gia khác đang thực hiện các lệnh phong toả và giới hạn di chuyển bao gồm Canada, Australia, New Zealand, Cuba, và nhiều quốc gia châu Phi như Senegal, Nam Phi, Bờ Biển Ngà, Zimbabwe…
Cảnh sát dựng rào thép để thực thi lệnh phong toả tại Jammu, Ấn Độ hôm 23/3. Có đến 30 trên tổng số 37 bang và vùng lãnh thổ của Ấn Độ đã ban hành lệnh phong toả |
Pakistan huy động quân đội
Pakistan là quốc gia mới nhất phải điều động quân đội vào cuộc trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát của virus corona chủng mới. Chính quyền nước này cũng cho biết tất cả các phương tiện công cộng cũng sẽ tạm ngừng hoạt động và các trạm xăng sẽ chỉ mở cửa một số ngày trong tuần, trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của virus. Pakistan hiện có 892 trường hợp dương tính với virus Sars-CoV-2 được ghi nhận, trong đó có 6 người đã tử vong.
Sĩ quan quân đội đứng gác trên đường phố trống trơn ở Karachi, Pakistan hôm 23/3 |
Hồ Bắc chuẩn bị dỡ phong toả
Tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc, nơi khởi nguồn của đại dịch Covid-19, được dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào ngày mai (25/3), dỡ bỏ gần như tất cả các lệnh giới hạn, cho phép người dân di chuyển ra và vào tỉnh. Tuy nhiên, các biện pháp chống dịch sẽ vẫn được áp dụng ở thành phố thủ phủ Vũ Hán cho đến ngày 8/4. Quyết định dỡ phong toả được đưa ra sau khi không có ca nhiễm mới nào được ghi nhận tại Hồ Bắc trong 5 ngày liền, từ con số hàng ngàn ca ở thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 2. Hôm 24/3, tỉnh này lại ghi nhận ca nhiễm mới đầu tiên sau 5 ngày, là một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Hồ Bắc.
Công tác khử trùng được thực hiện để chuẩn bị cho hệ thống phương tiện công cộng hoạt động trở lại tại Vũ Hán, Trung Quốc |
Tokyo có thể sẽ bị phong toả
Hôm 24/3, Thống đốc thành phố Tokyo Yuriko Koike cảnh báo rằng thủ đô Nhật Bản có thể sẽ bị phong toả nếu số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng. Ông Koike cho biết 3 tuần tiếp theo sẽ đặc biệt quan trọng, và kêu gọi người dân tránh tụ tập đông người và thực hiện các biện pháp phòng tránh. Tuyên bố của ông Koike được đưa ra khi chính quyền Tokyo ghi nhận 16 ca dương tính mới trong ngày 23/3, mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát, đưa tổng số ca nhiễm ở thành phố thủ đô lên 154.
Bất chấp khuyến cáo, người Nhật vẫn nườm nượp đi ngắm hoa anh đào nở ở công viên Ueno, Tokyo hôm 22/3 |
Số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh trên toàn thế giới
Hôm 23/3, Giám Đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đăng một dòng tweet cảnh báo rằng “đại dịch đang tăng tốc”. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 100 ca tử vong do virus, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát tại đây. Hiện Mỹ ghi nhận hơn 47.000 ca nhiễm và ít nhất 540 trường hợp tử vong.
Nước Anh cũng chứng kiến 54 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người thiệt mạng ở nước này lên 335 trong tổng số hơn 6.700 ca nhiễm được ghi nhận.
Cũng chỉ trong một ngày, số ca nhiễm Covid-19 ở Đức tăng ngoài sức tưởng tượng, với 4.764 ca nhiễm mới và 28 trường hợp tử vong – theo báo cáo của Viện liên bang Robert Koch hôm 24/3. Như vậy, số ca nhiễm ở Đức tăng từ 22.672 lên 27.436 chỉ trong một ngày, với 114 tử vong, đưa Đức trở thành một trong 5 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất trên toàn cầu.
Đức hiện là một trong những quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất trên toàn cầu |
Ngoài ra, một số quốc gia khác như Canada, Brazil, Singapore, Tây Ban Nha và Iran cũng đã chứng kiến các mức tăng vọt trong số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Chính phủ Thái Lan cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp bắt đầu từ ngày 26/3 tới, khi vừa ghi nhận thêm 3 ca tử vong và 827 ca nhiễm mới trong ngày 24/3.
Nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu thử tại một trạm xét nghiệm "drive-thru" (lái xe qua) tại Ramkhamhaeng Hospital, thủ đô Bangkok, Thái Lan hôm 19/3 |
Anh Thư