Đại biểu Quản Minh Cường (Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) cho rằng, việc Cảnh sát cơ động được sử dụng tàu bay đã được quy định trong Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.
Đại biểu Quản Minh Cường |
Cụ thể, Cảnh sát cơ động được ưu tiên trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại.
Luật Hàng không do Quốc hội thông qua cũng đã nêu về hoạt động của tàu bay công vụ, bao gồm tàu bay quân sự, tàu bay chuyên dụng của lực lượng hải quan, công an và các tàu bay khác sử dụng cho mục đích công vụ nhà nước.
Theo đại biểu, cách đây hơn 7 năm, Quốc hội đã đưa vào luật là lực lượng Hải quan, Công an có thể sử dụng máy bay, nên dự án luật Cảnh sát cơ động quy định không phải là mới. Thực tế cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Campuchia sử dụng máy bay trực thăng rất nhiều.
Vừa qua, Thủ tướng và ngành Công an đã thành lập Trung đoàn Không quân trong lực lượng Cảnh sát cơ động. Do đó, vấn đề không phải Cảnh sát cơ động được sử dụng máy bay hay không, mà nếu nhiệm vụ yêu cầu phải sử dụng máy bay thì Cảnh sát cơ động phải sử dụng.
Ông Cường cho rằng, không nên đặt vấn đề Cảnh sát cơ động sử dụng máy bay sẽ gây tốn kém, lãng phí về mặt tài chính mà vấn đề là sử dụng như thế nào, trong trường hợp nào và với lực lượng ra sao?
Ngoài ra, khi lực lượng này sử dụng máy bay, cần quy định rõ việc huấn luyện, quy chế phối hợp với lực lượng quân đội, vấn đề quản lý không lưu, đường bay…
“Cảnh sát cơ động phải đối mặt với tội phạm nguy hiểm, sử dụng trang thiết bị hiện đại như tội phạm buôn bán ma túy nên sử dụng máy bay là cấp thiết và cần thiết.
Không lẽ thành lập Trung đoàn Không quân của Công an lại đi mượn máy bay thì buồn cười quá”, ông Cường nêu ý kiến.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh bày tỏ đồng tình Cảnh sát cơ động là lực lượng chống khủng bố, bạo loạn, lực lượng nòng cốt, quan trọng nhất của công an.
Vì vậy không thể nói vì tiết kiệm mà không trang bị tàu bay, tàu thủy cho lực lượng này, vì khi ngăn chặn được bạo động, khủng bố, cứu người thì giá trị không thể đo đếm được.
Hơn nữa, kinh nghiệm quốc tế là phải trang bị cho Cảnh sát cơ động hiện đại nhất. Nếu Việt Nam không phản ứng kịp thời thì không theo kịp tình hình chung.
Cần cân nhắc kỹ
Song, theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), lực lượng phòng không, không quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư đã có tàu bay và tàu biển.
Đại biểu Phạm Văn Hòa |
“Tại sao chúng ta không phối hợp, sử dụng phương tiện kỹ thuật này khi cần thiết? Tôi nghĩ rằng quân đội sẵn sàng hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng công an, lực lượng cảnh sát cơ động để thực hiện nhiệm vụ”, ông Hòa nói.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp băn khoăn rằng nếu chuẩn bị tàu bay, tàu biển cho lực lượng cảnh sát cơ động thì phải trang bị kỹ thuật, sân bay riêng…, trong khi điều kiện đất nước đang rất khó khăn.
Tranh luận với đại biểu Hòa, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) cho hay nên sử dụng phương tiện tàu bay hiện có của quân đội để thực hiện nhiệm vụ, nhưng ông Sỹ nói "như vậy là không phù hợp" vì nhiệm vụ chính của Cảnh sát cơ động là bảo đảm an ninh trật tự và xử lý các vụ việc mất an ninh trật tự địa phương, chống bạo loạn khủng bố.
Nếu huy động lực lượng quân đội tham gia thì không phù hợp với nhiệm vụ của lực lượng công an, đặc biệt là Cảnh sát cơ động, vì các thế lực thù địch có thể lợi dụng chống phá.
Ông Sỹ đề nghị nên giữ nguyên như dự thảo là Cảnh sát cơ động được sử dụng tàu bay, dù kinh phí tốn kém nhưng khi Cảnh sát cơ động tiến lên hiện đại là cần thiết, nhằm chủ động trong các tình huống xảy ra.
Đại biểu Phạm Đức Thắng khẳng định cần sử dụng máy bay trong một số tình huống đặc biệt, lực lượng có thể phối hợp với quân đội, các lực lượng khác khi thực hiện nhiệm vụ là phù hợp.
Tuy nhiên vấn đề là có cần trang bị máy bay riêng hay không là vấn đề khác nhau. Ông Phạm Đức Thắng mong Quốc hội cân nhắc kỹ, có thể lấy ý kiến đại biểu trước khi quyết định vì nó tác động lớn, tiêu tốn nhiều nguồn lực quốc gia.
“Không phải tiết kiệm là không trang bị, mà có phương tiện tốt rồi thì phát huy công năng nhiều hơn nữa”, đại biểu Thắng nói.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, để đảm bảo tính ổn định và nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi, dự thảo luật xác định 7 nhóm nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động. Trong đó bao gồm nhiệm vụ chủ trì và nhiệm vụ phối hợp để đảm bảo các cơ sở pháp lý cho việc điều động, sử dụng lực lượng Cảnh sát cơ động.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm |
Bộ trưởng Công an lấy ví dụ, những trường hợp của tội phạm lợi dụng các phương tiện này để có thể mang chất nổ, chất hóa học, sinh học phá hoại và gây nguy hại cho các mục tiêu mà lực lượng trực tiếp bảo vệ nhưng do không được quyền ngăn chặn mà chờ lực lượng khác đến xử lý sẽ gây hậu quả nhiều mặt, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, ngoại giao.
Do vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho Cảnh sát cơ động trong việc chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm các mục tiêu cần bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu được giao vũ trang canh gác bảo vệ. Cần quy định thẩm quyền này cho Cảnh sát cơ động tại dự thảo luật.
Hương Quỳnh - Trần Thường
Đề xuất 7 quyền hạn của cảnh sát cơ động
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, chiều 21/10, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).