Kỳ 1: Tuổi thơ bụi đời, suýt thành đàn em Năm Cam của ông chủ hãng sửa ô tô
“Đại bàng” trường giáo dưỡng
Trong ký ức về đoạn đầu cuộc đời nhiều dông tố, anh Phùng Ngọc Phong (SN 1978, quận Bình Tân, TP.HCM) không bao giờ quên tháng ngày đổ máu để tồn tại trong trường giáo dưỡng. Lúc đó, anh mới 16-17 tuổi.
Những năm tháng ấy, Phong có một đám đàn em đủ đông đảo, ma mãnh để thực hiện hàng loạt vụ trấn lột, trộm cắp, cướp giật tài sản mà không gặp thất bại. Một ngày, băng nhóm của Phong có thể thực hiện liên tục hàng chục vụ trộm cắp tài sản.
Tuy vậy, cuối cùng, Phong “thổ địa” cũng bị công an bắt. Sau đó, anh được đưa vào trường giáo dưỡng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Tại đây, Phong rơi vào tình cảnh bị "ma cũ" hà hiếp, trấn lột.
Để tồn tại, Phong liên tục lao vào những trận đánh nhau sinh tử. Anh đánh nhau nhiều đến nỗi tuần đầu vào trường, lúc nào đôi mắt cũng bầm tím, mặt mũi sưng tấy, tay chân bầm dập...
Đổi lại, Phong chứng minh được sự gan lỳ, không sợ chết của mình. Anh khiến hơn “60 đứa bặm trợn cùng phòng” khiếp sợ. Chúng bị khuất phục và tình nguyện suy tôn Phong làm trưởng phòng, đại ca, “đại bàng” trường giáo dưỡng.
Sau 24 tháng ở trường, Phong được trả về Cầu Muối. Trở về chốn cũ, Phong “thổ địa” bàng hoàng khi thấy bạn bè, đàn em ly tán. Lúc ấy, bạn bè, đàn em của Phong đứa thì bỏ đi, đứa nhiễm HIV, sốc ma túy rồi chết, đứa thì tội nặng hơn phải đi tù…
Không có việc làm, Phong sống lay lắt nhờ sự giúp đỡ của người quen. Chính lúc ấy, anh nhận ra rằng con đường bụi đời không đem lại tự do, tiền đồ. Anh quyết định thay đổi, sống một cuộc sống đàng hoàng, lương thiện hơn.
Anh kể: “Từ lúc sinh ra, tôi đã không có giấy tờ tùy thân nên khi muốn làm lại cuộc đời, tôi gần như bế tắc. Tôi không thể xin việc làm. Không ai nhận một đứa bụi đời vừa ở trường giáo dưỡng ra lại không có giấy tờ tùy thân”.
“Tôi cứ lang thang cho đến khi được bạn bè giới thiệu Câu lạc bộ Cầu Muối. Nơi đây có những giáo dục viên sẵn sàng hướng nghiệp cho người như tôi. Thế là tôi quyết định xin vào trong câu lạc bộ sống để tìm cơ hội xin việc làm”, anh kể thêm.
Vào câu lạc bộ, Phong mạnh dạn xin các giáo dục viên giới thiệu cho mình đi làm. Được người có uy tín giới thiệu, Phong tìm được việc. Anh không ngại những việc nặng nhọc từ làm thợ hồ, chạy bàn quán cà phê đến phụ thợ hàn baga xe máy… để nhận 10.000 đồng/ngày.
Trong quá trình làm việc, Phong bị người cùng làm, chủ xem thường, ức hiếp, bóc lột không thương tiếc. Dẫu có cố gắng đến mấy, những người này cũng tìm cách chà đạp, dìm anh xuống để anh mãi mãi là "thằng sai vặt" cho mình.
Anh bị ức hiếp, bóc lột đến mức uất ức. Nhiều lúc, anh muốn tung nắm đấm, vung mũi dao, lưỡi mã tấu về phía họ. Nhưng sau đó Phong nghĩ đến ân tình của người đã giới thiệu, đứng ra xin việc cho mình. Anh không muốn họ buồn, thất vọng về mình. Hơn thế, anh không muốn sống cùng nắm đấm, mũi dao nữa.
Vượt nghịch cảnh
Những lần bị ức hiếp, Phong nhận ra rằng “mình phải có cái nghề, phải giỏi nghề mới thoát khỏi việc bị sai vặt, bị người ta xem thường”. Anh quyết định tìm nghề để học với khát vọng thoát khỏi cuộc sống ở đáy xã hội.
Anh nói: “Ban đầu, tôi cũng không biết chọn nghề gì để học. Cuối cùng, tôi chọn học nghề sửa xe ô tô. Từ nhỏ, tôi đã thích tiếng nổ của động cơ. Những năm tuổi thơ nhảy tàu, nhảy xe ở Campuchia, làm quen với tiếng động cơ, mùi xăng càng khiến tôi thích xe ô tô hơn”.
“Tôi về câu lạc bộ, xin thầy giới thiệu cho mình đi học nghề sửa xe ô tô ở trường nghề tại quận 5. Cứ thế, ban ngày tôi đi học, đêm về đi làm để có tiền trang trải”, anh kể.
Ra trường, Phong xin vào làm không công suốt 3 năm ở một gara ô tô để tích lũy kinh nghiệm. Lần đầu mở nắp ca pô xe ô tô, anh choáng ngợp trước sự khác biệt quá lớn giữa lý thuyết ở nhà trường và thực tế trước mắt.
Nhìn đống dây nhợ loằng ngoằng trên chiếc xe, trí óc anh xoay mòng mòng. Tuy vậy, anh không chịu đầu hàng. Anh mày mò nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm với những người thợ đi trước. Sau 3 năm, anh trở thành một trong những thợ giỏi nhất của gara.
Song, anh vẫn không hài lòng với bản thân. Nhận thấy khách đến gara toàn là người trí thức, Phong cảm thấy tủi thân vì mình chỉ mới “tốt nghiệp” chương trình lớp 6 theo hệ 3 năm 6 lớp khi còn ở trường Thiếu niên 3 ngày trước.
Không muốn mình là người ít học, anh đi học bổ túc. Trong lúc này, anh may mắn được giới thiệu vào làm việc trong xưởng của hãng xe lớn. Môi trường chuyên nghiệp, hiện đại giúp anh tích lũy thêm kinh nghiệm, nâng cao tay nghề.
Anh nói: “Vào làm trong hãng, được tiếp xúc với người giàu có, trí thức tôi lại đặt mục tiêu mới cho mình. Tôi dự định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ thi vào Đại học Sư phạm kỹ thuật. Nhưng khi đang chuẩn bị thi, tôi được một người bạn đề nghị ra riêng mở gara”.
“Sau những đắn đo suy tính, tôi quyết định thay đổi để tìm cơ hội cho mình. Năm 2006, tôi lấy hết 20 triệu đồng tiền tiết kiệm để hùn vốn cùng người bạn mở gara sửa ô tô”, anh kể thêm.
Nhân viên tay nghề cao, làm việc một cách tận tụy, gara của anh Phong chiếm được lòng tin của khách hàng. 16 năm qua, lượng khách đến gara của anh mỗi lúc một đông khiến anh từ “thằng bụi đời” trở thành giám đốc.
Từ đáy xã hội, anh trở thành người giàu có, đủ tiền mua nhà, sắm xe hơi riêng. Dẫu vậy, anh vẫn quý trọng người cùng cảnh ngộ. Khi đã ổn định cuộc sống, anh tạo điều kiện, nhận những người bạn bụi đời khi xưa vào gara làm việc.
Anh cũng hướng dẫn, dạy nghề cho các thanh niên từ mái ấm, nhà mở để bây giờ họ đều trở thành thợ ở những gara khác. Thậm chí, một số sinh viên được anh hướng dẫn thực tập xong cũng có chức, có quyền ở các hãng xe ô tô nổi tiếng.
Anh Phong chia sẻ: “Đến bây giờ, đi qua những địa chỉ mà trước đây, khi còn là thằng bụi đời vẫn thường nằm ngủ, xin ăn, tôi rất xúc động. Nhưng tôi không buồn, sợ quá khứ của mình. Chính quá khứ ấy đã tạo nên con người tôi bây giờ”.
“Tôi không bao giờ sợ khó, sợ khổ và càng khổ lại càng cố gắng vươn lên. Sau 20 năm lăn lộn, tôi nhận ra rằng, muốn thành công hãy chọn cho mình một cái nghề mình thực sự yêu thích, đam mê. Bởi, nếu không có đam mê thì sẽ không có nỗ lực. Và nếu không có nỗ lực thì chúng ta sẽ không làm được gì”, anh nói thêm.