2 ngày qua rất nhiều người dân, du khách nước ngoài khi đi qua nơi có hai chú chim này trên phố Hàng Rươi, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phải nán để ngắm nghía, chụp ảnh, hỏi han thông tin về hai chú chim đại bàng có nguồn gốc từ Mông Cổ.
Chủ nhân của hai chú chim đại bàng này là anh Nguyễn Văn Hà. Theo anh Hà, hai con đại bàng này có tên là Golden Eagle.
Anh Nguyễn Văn Hà và hai chú đại bàng vàng Mông Cổ. |
“Người Mông Cổ thường nuôi chúng để đi săn bắt, kiếm thức ăn nên chúng còn được gọi là đại bàng vàng Mông Cổ”- anh Hà nói.
Anh Hà cho biết để đưa được hai chú chim này về Việt Nam phải trải rất nhiều thủ tục và được cơ quan quản lý về kiểm dịch, kiểm lâm ở cả nước ngoài lẫn Việt Nam thẩm tra, cấp giấy chứng nhận.
“Giá của chú chim này ở Việt Nam với đầy đủ giấy tờ vào khoảng 10.000 USD/con”- anh Hà tiết lộ.
Theo anh Hà, một con đại bàng Mông Cổ với đầy đủ giấy tờ có giá 10.000 USD. |
Theo anh Hà, hiện tại ở Việt Nam chỉ có khoảng 5 con đại bàng vàng Mông Cổ; trong đó cả miền Bắc có 4 con và miền Nam có 1 con.
Việc chăm sóc cho đại bàng Mông Cổ hết sức cầu kỳ. Khi mới đưa về Hà Nội, anh Hà thường xuyên phải thức cùng chúng để “làm quen” và giữ chúng trên tay gần chỗ đông người để chúng nhanh thuần.
Theo anh Hà, ở Việt Nam hiện chỉ có 5 con đại bàng vàng Mông Cổ. |
Chế độ ăn uống hàng ngày cho các chú chim phải được tính toán rất kỹ, cân đo số lượng và có điều chỉnh thức ăn phù hợp để ổn định trọng lượng của chim.
Nhiều du khách nước ngoài thích thú khi gặp hai chú chim đại bàng Mông Cổ. |
“Vài năm trở lại đây môn thể thao chim săn mồi đã được du nhập vào Việt Nam và được nhiều người yêu thích. Trong đó giống đại bàng Mông Cổ này tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực”- anh Hà cho biết.
Anh Nguyễn Mạnh Duy - một người chuyên chuyển các loại mặt hàng từ Nepal và Tây Tạng về Hà Nội - cho biết, những người muốn sở hữu chim đại bàng Mông Cổ cần phải tìm đúng địa chỉ để “nhờ cậy”, bởi loại chim này được vận chuyển theo đường hàng không, đưa về tới Hà Nội sẽ phải trải qua rất nhiều khâu kiểm tra, kiểm soát, cấp giấy chứng nhận. “Giá của chúng không hề rẻ nên chỉ những người thực sự có điều kiện kinh tế và đam mê mới dám sở hữu chúng”- anh Mạnh Duy nói.
(Theo Dân trí)