Có thể nhận định rằng, việc TQ tham gia TPP chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên liệu đại bàng của Mỹ có se duyên được với rồng TQ hay không?
Xem lại Kỳ 1: Mỹ muốn cầm trịch, 'lờ' TQ trong cuộc chơi
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã từng bước can thiệp vào nhiều vấn đề của châu Á, từ kinh tế, chính trị đến quân sự, phát huy tối đa sức ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Mỹ còn xây dựng hệ thống đồng minh tại khu vực, biến nó thành những căn cứ chính trị của mình nhằm phát huy tối đa sức mạnh trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy khi châu Á - Thái Bình Dương xây dựng bất kỳ cơ chế hợp tác nào mà không có Mỹ đều khó phát triển hoặc không dễ thành hiện thực.
Mỹ đã và đang đạo diễn luật chơi mới thông qua TPP nhằm mục đích kìm hãm chính sách của TQ, khiến việc hợp tác kinh tế, thương mại giữa các quốc gia trong khu vực này với TQ sẽ trở nên phức tạp và khó khăn hơn.
Trước tình thế đó, TQ buộc phải đưa ra lựa chọn. Kịch bản đầu tiên TQ quyết không đi theo những gì mà Hoa Kỳ đã vẽ sẵn, mà vẫn tiếp tục đi theo con đường đã chọn – Xây dựng Cộng đồng Đông Á. Nếu theo kịch bản này, kinh tế TQ sẽ ảnh hưởng rất nhiều về kinh tế cũng như chính trị như đã phân tích ở phần 1.
Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters |
Kịch bản thứ hai là TQ tham gia để chuyển từ thế bị động sang chủ động, hóa giải những ảnh hưởng bất lợi do TPP mang lại nếu TQ không thể gia nhập. Khi ấy TQ sẽ có thể mở rộng không gian để triển khai các chính sách riêng của mình kết hợp với các ưu đãi từ Hiệp định này. Dưới đây là số khả năng TQ có thể sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, thông qua quá trình đàm phán và gia nhập TPP, TQ sẽ tìm cách tác động đến chính trị cũng như tuyên truyền về lợi ích của việc hợp tác khu vực và hình thành Cộng đồng Đông Á. TQ sẽ tận dụng tối đa vai trò của một thành viên của TPP để thúc đẩy tiến trình tự do hóa thương mại ở khu vực - điều mà Bắc Kinh đeo đuổi lâu nay, từng bước khẳng định lập trường, quan điểm chính sách của mình trong hợp tác kinh tế trong khu vực.
Qua nhiều năm nỗ lực, hợp tác kinh tế Đông Á cơ bản đã gặt hái được những tiến triển tích cực, rất nhiều hình thức hợp tác song phương và những cơ chế phối hợp khu vực đã được triển khai, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với vị thế và mong mỏi của các nước.
TPP có thể sẽ mang lại một cơ hội hợp tác mang tính lịch sử, điều chỉnh lại các cơ chế tự do thương mại tại khu vực, đồng thời vẫn bảo đảm được tiêu chí phát triển của TPP. Gia nhập TPP, TQ có thể tiếp tục phát huy sức mạnh kinh tế, đồng thời duy trì được sự hiện diện và tầm ảnh hưởng tại khu vực.
Thứ hai, gia nhập TPP đồng nghĩa với việc TQ sẽ tăng cường mối quan hệ nhiều mặt đối với Mỹ. Tận dụng vai trò chủ đạo cũng như tiếng nói của Mỹ đối với các quốc gia thành viên, cùng với đó mối quan hệ Trung – Mỹ luôn được xem là một trong những cặp quan hệ song phương quan trọng bậc nhất hiện nay, cả TQ và Mỹ sẽ tìm cách xích lại gần nhau hơn trong hợp tác khu vực, trong đó TQ có thể là nước chủ động và xuống nước. Nếu TQ gia nhập TPP, các cơ chế hợp tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương như “AEAN +3” ,“AEAN +6” nhiều khả năng sẽ bị TPP dần thay thế và dẫn dắt.
Thứ ba, gia nhập TPP, TQ sẽ tận dụng tối đa các quy tắc thương mại mới này để đẩy mạnh tiến trình cải cách toàn diện của mình. Sự nghiệp cải cách mở của TQ đã bước vào giai đoạn chín mùi. Trong suốt gần 40 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TQ luôn ở mức rất cao. Đi cùng với sự phát triển, TQ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như bảo vệ môi trường, mua sắm chính phủ, quản lý lao động…
Thông qua các điều khoản về bảo vệ môi trường cũng như quản lý doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ của TPP, TQ sẽ từng bước điều chỉnh các những mặt hạn chế, yếu kém này.
Đại bàng có se duyên rồng?
Mỹ đã cố tình không muốn TQ tham gia vào quá trình đàm phán TPP. Một mặt Mỹ muốn các quy định mới này phải được viết theo hướng hoàn toàn mới, có lợi cho mình. Mặt khác nếu TQ tham gia đàm phán sẽ khiến Mỹ lúng túng trong vấn đề hợp tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên suốt thời gian vừa qua, chúng ta có thể thấy TQ đã chủ động bày tỏ mong muốn được gia nhập tổ chức này bởi: Thứ nhất nếu không tham gia TPP, TQ sẽ xem như ở ngoài cuộc chơi, chẳng những không có cơ hội phát huy các ảnh hưởng, mà ngược lại sẽ mất nhiều thứ, cả về kinh tế lẫn chính trị. Các nước trong khu vực sẽ nghiêng về kinh tế và ngày càng phụ thuộc vào Mỹ. Khi đó Mỹ sẽ danh chính ngôn thuận can thiệp vào mọi vấn đề của khu vực, tìm cách kìm hãm sức mạnh và tầm ảnh hưởng của TQ đến mức tối đa.
Thứ hai nếu tham gia TPP, TQ sẽ chuyển từ thế bị động sang chủ động. Chí ít Bắc Kinh sẽ cùng với các quốc gia trong vùng tạo thế chân vạc nhằm hạn chế sức mạnh độc tôn và sự thao túng của Mỹ.
Vì thế có thể nhận định rằng, việc TQ tham gia TPP chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên liệu đại bàng của Mỹ có se duyên được với rồng TQ hay không? Tất cả đang còn ở phía trước và cần thời gian để tiếp tục quan sát.
Nguyễn Tăng Nghị, Giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học KHXH-NV TP. HCM; NCS Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân TQ
>> XEM THÊM: