Trong thời gian được cử làm thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc OceanBank, Nguyễn Xuân Sơn hưởng lợi 246 tỷ đồng. Số tiền này bị can đã sử dụng chi tiêu cá nhân, gửi tiết kiệm, mua nhà cho bố mẹ.
Đút túi hàng chục tỷ đồng từ thu phí trái quy định
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký thoả thuận trở thành cổ đông và đối tác chiến lược với Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và giới thiệu Nguyễn Xân Sơn - Tổng giám đốc Cty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) làm thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc OceanBank. Đến đầu năm 2009, khi bàn bạc với Hà Văn Thắm về việc huy động vốn, Nguyễn Xuân Sơn đề nghị ngân hàng chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng và giao cho Sơn toàn quyền quyết định việc chi phí.
Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khám xét nhà ông Nguyễn Xuân Sơn (ảnh nhỏ) tại khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội. |
Để có nguồn tiền chi “chăm sóc khách hàng” theo yêu cầu của Sơn, Hà Văn Thắm đã sử dụng Cty Cổ phần BSC Việt Nam (do Thắm thành lập) để “ép” khách hàng vay vốn tại OceanBank ký hợp động làm dịch vụ thẩm định giá bất động sản, dịch vụ đấu giá tài sản, đại lý bảo hiểm, mua bán kỳ hạn bất động sản, môi giới, đại diện thương mại, vay vốn ngân hàng… nhằm thu phí ngoài lãi suất hợp đồng tín dụng. Theo kết quả điều tra, từ 22/5/2009 tới 31/1/2013, Cty BSC thu phí được tổng cộng gần 69 tỷ đồng thông qua việc ký 721 hợp đồng dịch khống và 80 hợp đồng mua bán tài sản có kỳ hạn. Sau đó, Cty BSC chuyển nhiều lần cho Nguyễn Xuân Sơn tổng cộng 69,3 tỷ đồng để Sơn “chăm sóc khách hàng”.
Gửi tiết kiệm gần triệu đô
Đến tháng 1/2011, Sơn nhiều lần nhờ Nguyễn Xuân Thắng, Phó giám đốc Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược (em con chú ruột của Sơn) đến ngân hàng để lấy tiền. Theo lời khai của Sơn, từ đầu năm 2009 tới 6/2014, tổng số tiền mà Thắng nhận từ OceanBank và Cty BSC để đưa cho Sơn khoảng 200 tỷ đồng. Trong số tiền này, Sơn chuyển cho Ninh Văn Quỳnh, kế toán trưởng PVN, khoảng 120 tỷ đồng, nhưng Quỳnh không thừa nhận đã nhận tiền từ Sơn và Thắng. 80 tỷ đồng còn lại, Sơn nhờ Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc OceanBank - Chi nhánh Thăng Long giữ hộ (gửi tiết kiệm) khoảng 31 tỷ đồng và 900.000 USD, khi nào Sơn cần thì Phương rút ra và đưa lại cho Sơn. Đến đầu năm 2015, Phương đưa lại hết cho Sơn và Sơn sử dụng vào mục đích cá nhân.
Giải trình về việc đã chi tiêu số tiền trên, Sơn khai: Nhờ Thắng giữ hộ 15 tỷ đồng, sau đó dùng 10,5 tỷ đồng để mua nhà cho bố mẹ Sơn; lấy 10 tỷ đồng khác để đi mua đất cho một vị nguyên Phó tổng giám đốc PVN nhưng người này không nhận nên Sơn bán lại cho người khác và đưa tiền cho Nguyễn Thị Minh Phương quản lý hộ.
Vẫn theo lời khai của Sơn, năm 2013, bị can này dự định mua nhà tại một dự án ở TPHCM nên yêu cầu Hà Văn Thắm chuyển 20 tỷ đồng cho một người bạn của Sơn để người này mua 900.000 USD, chuyển cho Sơn mua nhà. Nhưng sau khi nhận tiền, Sơn đã chi tiêu cá nhân hết…
Theo cáo trạng, sau đó, bị can Nguyễn Xuân Sơn thay đổi lời khai, phủ nhận hoàn toàn các nội dung đã khai nhận với cơ quan công an trước đó. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, các lời khai và chứng cứ thu giữ được về hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân Sơn là khách quan, phù hợp với lời khai của Sơn trước đó. Điển hình, Nguyễn Thị Minh Phương khai: Từ tháng 3/2010 tới 1/2015, Sơn nhiều lần đưa tiền, nhờ Phương gửi tiết kiệm, tổng cộng hơn 40 tỷ đồng và 440.000 USD (gồm cả tiền nhận từ Cty BSC và tiền Sơn đưa không rõ nguồn ở đâu). Lời khai của Nguyễn Việt Dũng, trợ lý của Nguyễn Xuân Sơn, cho thấy Sơn đã nhờ tài khoản cá nhân của Dũng để nhận 102.000 USD và hơn 6,6 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Sơn, Dũng chuyển khoảng 900 triệu đồng cho 3 giám đốc chi nhánh, còn lại đưa hết cho Sơn…
Căn cứ kết quả điều tra, cơ quan tố tụng xác định, bị can Nguyễn Xuân Sơn phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền OceanBank cho vượt trần hơn 544 tỷ đồng, trong đó phải chịu trách nhiệm về số tiền hưởng lợi 246 tỷ đồng.
(Theo Tiền phong)