Không chỉ thanh long, rất nhiều loại trái cây đặc sản Việt Nam khi “xuất ngoại” sang trời Tây cũng được bán với mức giá siêu đắt đỏ, điều đó cho thấy tiềm năng lớn tại những thị trường cao cấp này. Thế nên, nếu dồn toàn lực xây dựng chiến lược cho từng mặt hàng xuất khẩu, mỗi năm có thể thu thêm vài tỷ USD.

Những chuyến chào hàng gây sốt tại trời Tây

Vài năm trở lại đây, cứ đến mùa thu hoạch, vải thiều Việt Nam được cắt cuống, đóng hộp xuất khẩu sang Nhật Bản, lên quầy kệ siêu thị với giá bán dao động từ 350.000-500.000 đồng/kg. Mức giá vô cùng đắt đỏ so với giá bán tại thị trường nội địa.

Nhưng phải đến vụ thu hoạch năm 2021 cùng những đợt chào hàng dồn dập, quả vải thiều của nước ta mới thực gây sốt toàn cầu. Tại thị trường Nhật Bản, vải thiều trở thành “câu chuyện” làm quà của mọi người, liên tục “cháy hàng”.

Tại phiên đấu giá hồi giữa tháng 6/2021, ở TP. Perth của Úc, một hộp quả vải tươi Việt Nam duy nhất được mua với giá 3.000 AUD (tương đương gần 52 triệu đồng). Trong khi đó, quả vải thiều cũng có giá cao, lên tới 500.000 đồng/kg tại một số thị trường khó tính ở châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan,... và được người tiêu dùng chuộng mua.

Sau quả vải, quả xoài xanh được Thương vụ Việt Nam tại Úc giới thiệu với mức giá 300.000 đồng/kg. Một số chuỗi nhà hàng tại Sydney đã đưa xoài xanh vào thực đơn, tình nguyện quảng bá, tiếp nhận đặt mua và giao hàng tận nơi cho khách.

{keywords}
Vải thiều Việt gây sốt toàn cầu, có giá bán cao ngất ngưởng tại thị trường quốc tế (ảnh: TL)

Hay, nhãn lồng Việt cũng được đóng hộp bày bán trong các siêu thị tại Đức, Hà Lan, với giá từ 430.000-490.000 đồng/kg, cao gấp 15-20 lần giá bán trong nước. Thứ quả tiến vua này còn xâm nhập vào Singapore, phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp với giá 220.000 đồng/kg.

Đại diện một DN xuất khẩu chia sẻ, năm 2021 có xuất nhãn sang châu Âu, Mỹ và một vài thị trường tại châu Á, nhưng chủ yếu mang tính chất chào hàng, thăm dò thị trường. Giá bán cao nhưng hàng xuất được số lượng còn khiêm tốn.

Năm 2021, không dừng ở quả vải, nhãn,... các doanh nghiệp còn liên kết với cơ quan chức năng của Việt Nam tại Úc chào bán quả sấu ở thị trường này với giá 300.000 đồng/kg. Lần đầu tiên loại quả này xuất ngoại, mang về 6,5 tỷ đồng.

Sang đầu năm mới 2022, quả thanh long tiếp tục được chào bán tại các siêu thị ở Tây và Nam Australia với giá 200.000 đồng/kg.

Ông Như Nguyễn, đại diện doanh nghiệp xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam, cho biết, tại Hà Lan, thanh long được coi như siêu thực phẩm. Muốn mua không dễ, vì thanh long chỉ bán ở các siêu thị dành cho người châu Á với giá khoảng 600.000 đồng/kg.

Ông Như đánh giá châu Âu là thị trường tiềm năng vì người tiêu dùng có nhu cầu rất lớn, số lượng rất đông. Trong khi, mặt hàng trái cây nhiệt đới từ Việt Nam đa dạng và đặc trưng, dư địa phát triển thị trường này rất lớn nếu có chiến lược và hướng đi đúng đắn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, người tiêu dùng EU đang quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam khi lợi thế EVFTA mang lại rõ dần. Năm 2021 được coi dấu mốc quan trọng khi vải thiều, nhãn tươi được xuất khẩu trực tiếp sang Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh,... trở thành hàng hot, món quà quý trao tặng nhau .

Các FTAs mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt, trong đó có mặt hàng trái cây vào được thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Tuy nhiên, muốn tận dụng được lợi thế này, chúng ta phải chuyển đổi quy trình sản xuất để làm hàng chất lượng gắn với mã số vùng trồng, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đồng thời chú trọng đến quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Xây dựng chiến lược để thu thêm vài tỷ USD

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan kể lại câu chuyện về container xoài Đồng Tháp đầu tiên qua thị trường Mỹ. Ông là người trực tiếp tham gia, cảm thấy rất thú vị vì bán được giá cao. “Người Việt ở nước ngoài chụp ảnh xoài Đồng Tháp bán ở siêu thị nước ngoài, hay chúng ta vẫn thấy các loại quả khác như nhãn, vải, thanh long,... bán với giá rất cao. Vui thật, cảm xúc thật nhưng buồn lắm!”, Bộ trưởng chia sẻ.

{keywords}
Cần xây dựng chiến lược xuất khẩu cho từng mặt hàng (ảnh: N.Thọ)

Bởi, trong chuyến đi thăm và làm việc tại các nước châu Âu nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam, ông nhận thấy nông sản Việt bán sang thị trường này chưa nhiều, thỉnh thoảng mới có vài thương vụ. Nông sản được nhập vào đây, phần lớn được bày bán ở cửa hàng dành cho người gốc châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan.

Các Đại sứ cho biết, thanh long Việt Nam bán ở cửa hàng của Thái Lan, nghĩa là chúng ta chưa đi một cách đàng hoàng mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro, hoặc là bán trong cộng đồng người Việt.

“Những chuyến hàng bán được giá cao nhưng thiếu bền vững, mang tính chất tự phát nhiều hơn. Tức sự năng động của doanh nghiệp mình kết nối được với doanh nghiệp nước ngoài rồi đưa hàng sang, chứ chưa có chiến lược cho từng loại thị trường, kể cả cách chúng ta xâm nhập vào”, Bộ trưởng nói.

Theo ông, đưa nông sản Việt vào được hệ thống phân phối chính quy của họ thì mới định hình thương hiệu; khi đó, mới có sức lan tỏa, người tiêu dùng trên thế giới mới biết đến.

Ông cho rằng, truyền thông giúp đẩy cảm xúc nên "chúng ta hào hứng quá mà quên có những vấn đề, những rủi ro phía sau. Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, phải có chiến lược hẳn hoi, phải mất nhiều năm nữa, không chỉ mới vài chuyến hàng của một vài doanh nghiệp mà nói là chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường".

Do đó, Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án có sự tham vấn của các đại sứ quán, các cơ quan thương vụ ở nước ngoài về chiến lược xuất khẩu cho từng loại quả, từng thị trường. Ở đó, phải khởi tạo từ vùng nguyên liệu chuẩn hoá, chuẩn hoá vấn đề xây dựng thương hiệu, quảng bá xúc tiếp, liên kết tạo thành chuỗi bền vững. 

Chúng ta đã thành công với chiến lược đưa quả vải thiều ra thế giới, thương hiệu quả vải được nhiều người biết đến. Ở Nhật, loại quả này đã chen chân được vào những hệ thống siêu thị lớn nhất. Ông cho rằng, các loại trái cây khác cũng cần có một chiến lược bài bản như vậy.

“Chúng ta phải làm, làm ngay để những chuyến hàng đưa ra nước ngoài không còn là “ăn may”. Khi thành công, chiếm lĩnh được thị trường thì chuyện thu thêm vài tỷ USD mỗi năm không khó. Thậm chí, còn thu được nhiều hơn thế”, Bộ trưởng chia sẻ.

Tâm An

28 triệu tấn rau củ, trái cây: Buôn tiểu ngạch, hái ăn tươi bao giờ cho hết

28 triệu tấn rau củ, trái cây: Buôn tiểu ngạch, hái ăn tươi bao giờ cho hết

Sản lượng trái cây, rau củ tới 28 triệu tấn/năm, nếu cứ mãi xuất tiểu ngạch qua đường bộ, không đẩy mạnh chế biến thì hàng dội chợ, dân mua ăn tươi sao hết. Phải thay đổi tư duy để phát triển theo con đường bền vững.