Mắt cá ngừ được xem là đặc sản “độc quyền” của tỉnh Phú Yên. Cho dù có khiến một số thực khách phải e ngại, nhưng không ai phủ nhận được sự tinh tế, độc đáo và sức hút kỳ lạ đến từ hương vị của món ăn.
Phú Yên là một vùng đất được thiên nhiên hết mực ưu ái khi vừa sở hữu vô vàn thắng cảnh tuyệt đẹp, vừa gây thương nhớ bởi các món ăn như bò một nắng, sò huyết đầm Ô Loan, lẩu sứa,.... Bên cạnh đó, không thể không kể đến mắt cá ngừ – đặc sản có “một không hai” được người dân đặt cho cái tên mỹ miều là Đèn pha đại dương.
Phú Yên được ví như “thủ phủ cá ngừ đại dương”, vì ngư dân làng biển Phú Câu (Tuy Hòa) là những người đầu tiên phát triển nghề câu loại cá này vào năm 1994.
Mắt cá ngừ đại dương – món ăn thử thách lòng can đảm của thực khách. |
Cá ngừ đại dương thường nặng từ 40 – 50 kg nên cầu mắt khá to, tương đương với quả bóng tennis và có trọng lượng khoảng 100 – 200gr/ mắt. Chính vì vậy nên khi đem chế biến, món ăn sẽ khiến không ít người phải "khiếp vía" và vội buông đũa.
Tuy nhiên, nếu vượt qua được nỗi sợ hãi thì món ăn sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn, thú vị và dễ “gây nghiện”. Thêm vào đó, những con mắt to, đen, đáng sợ này lại được công nhận là có giá trị dinh dưỡng tương đối cao, đặc biệt giàu DHA và Omega 3, cực tốt cho sự phát triển của não bộ.
Mắt cá ngừ đại dương là món ăn cũng khá phổ biến ở Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, do văn hóa ẩm thực khác nhau nên mỗi quốc gia có một cách chế biến mắt cá ngừ riêng biệt. Người Nhật thưởng thức món ăn độc, lạ này bằng cách đun sôi mắt cá trong nước có sẵn gia vị như đường, nước tương, một ít rượu sake. Ngoài ra, họ cũng biến tấu thành các món chiên, hầm, luộc.
Mỗi quốc gia có cách chế biến mắt cá ngừ khác nhau. |
Không cầu kỳ như ở Nhật Bản, người dân Hàn Quốc lại có cách ăn khá đặc biệt, đó là ăn mắt cá ngừ sống. Tuy nhiên, họ không ăn cả con mắt mà chỉ tận dụng phần sụn mềm bên trong. Phần sụn sau khi lấy ra sẽ được đem băm nhuyễn, cho vào cốc nhỏ rồi thưởng thức.
Ở Việt Nam, món mắt cá ngừ từng lọt vào top 10 đặc sản nổi tiếng do Hội kỷ lục gia Việt Nam bình chọn. Chính vì lí do này mà bất cứ du khách nào đến Phú Yên cũng phải tìm “đèn pha đại dương” để thưởng thức cho bằng được.
Các đầu bếp có thể đem mắt cá ngừ chế biến thành nhiều món ăn đa dạng như chưng cách thủy, nấu canh… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là mắt cá ngừ tiềm thuốc bắc. Mắt cá sau khi sơ chế sẽ được cho vào một hũ đất nung nhỏ, thêm vào rau củ, gia vị và một số loại thuốc bắc như táo tàu, kỷ tử... Cuối cùng chỉ cần đặt hũ đất này lên bếp lửa nấu chín. Tùy vào mắt cá ngừ to hay nhỏ mà một hũ có thể đựng một hoặc hai mắt cá ngừ để phục vụ thực khách.
Đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức đặc sản “đèn pha đại dương”. |
Điều đặc biệt là mặc dù món ăn được hầm với một số loại thuốc bắc, nhưng khi ăn hầu như không cảm nhận được vị thuốc. Khi mắt cá ngừ đại dương đã chín, người dân sẽ đem nguyên hũ ra cho khách. Bên hông đĩa, họ cũng không quên xếp một viên cồn và châm lửa lên để giữ nóng cho món ăn.
Giữa thời tiết lúc nào cũng mát rượi nhờ gió biển thì việc húp một chút nước dùng, cắn một miếng táo tàu và thưởng thức mắt cá sẽ khiến bạn cảm nhận rõ văn hóa ẩm thực của người dân địa phương. Đừng quên gắp thêm một đũa rau thơm ăn kèm. Mắt cá ngừ khi ăn hơi bùi bùi, béo béo, nhiều người còn cho thêm đậu phộng, bánh tráng vào ăn cùng.
Món ăn có hương vị khó quên, khiến bất cứ thực khách nào cũng phải vấn vương. |
Tại Phú Yên, mắt cá ngừ đại dương được xem là món ăn chơi nên ít ai dùng với cơm trắng mà chỉ ăn kèm với cải bẹ xanh xắc nhuyễn, bánh đa nướng nóng giòn và chén nước tương cay. Mắt cá ngừ có vị béo, dễ gây ngán nên người ăn khỏe lắm cũng chỉ dùng được chừng 2 phần.
Ngày nay đến với Phú Yên, từ các nhà hàng sang trọng hay các quán nhỏ vỉa hè ven đường, du khách đều có thể tìm thấy đặc sản “đèn pha đại dương”. Đặc biệt, do số lượng cá ngừ đánh bắt được không quá nhiều, chỉ đủ phục vụ nhu cầu của người dân tại địa phương nên rất khó tìm thấy món ăn này ở những tỉnh thành khác.
(Theo Dân trí)