Ngày 17/10, ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, Quảng Bình cho biết, sau những trận mưa lớn, sáng hôm qua, lần đầu tiên rươi xuất hiện trên cánh đồng ở thôn 5 xã Đồng Trạch. Đây được xem là hiện tượng lạ.
Khoảng 6h-7h30 sáng 16/10, người dân bất ngờ phát hiện rươi trên đồng lúa ngập nước ở xã Đồng Trạch. Theo quan sát, rươi nổi dày đặc trong phạm vi khoảng vài trăm mét, to bằng chiếc đũa, dài 3- 5cm.
Theo ông Dương Văn Minh (SN 1945, người dân địa phương), cách đây khoảng vài năm đã có rươi xuất hiện nhưng rất ít, người dân cũng không biết loại này có thể ăn được. Năm nay rươi nhiều, dày đặc và biết đặc sản nên nhiều người tranh thủ bắt về làm thức ăn.
“Sau khi thấy rươi, các con tôi cũng đi vớt được khoảng 4kg về chia cho người thân, còn lại xay ra cùng với thịt, trứng để làm chả. Lần đầu tiên tôi được ăn món này, béo và khá ngon”, ông Minh nói.
Ông Nguyễn Cẩm Long thì cho rằng, trước đây có thể rươi cũng xuất hiện trên địa bàn nhưng vì quá ít nên người dân không để ý. Giờ rươi xuất hiện nhiều, dày đặc dân mới biết và quan trọng là giờ người dân đã biết chế biến thành món ăn.
Từ trước đến nay, rươi thường chỉ xuất hiện ở một số khu vực miền Bắc và chỉ xuất hiện vào tháng 9, 10 và 11 Âm lịch nên số lượng thu hoạch khá khan hiếm. Một số vùng có nhiều rươi sinh sống nhất là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh,...
Con rươi là loài nhuyễn thể thuộc Họ Rươi, ngành Giun đốt, khu vực sinh sống thường ở môi trường nước mặn hoặc nước lợ. Thân rươi dẹp, dài khoảng 6 - 7cm, rộng khoảng 5 - 6mm, trên thân có 65 đốt với nhiều màu sắc khác nhau như: hồng, trắng, nâu,... Phần lưng trên được phủ một lớp tơ dài và dày.
Mặc dù có hình dáng trông hơi đáng sợ nhưng rươi lại được xếp vào danh sách thực phẩm quý giá bởi có hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon.