Trước những thách thức đầy khó khăn hiện nay đã khiến chính phủ Trung Quốc có những phản ứng khác thường.

Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thấy mình đang ở thế thủ, đặc biệt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á lên đến đỉnh điểm trong cuộc đối đầu hải quân kéo dài với Philippines xung quanh vấn đề bãi cạn Scarborough (mà phía Trung Quốc gọi là Hoàng Nham). Căng thẳng với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng có lúc lên cao. Nhật Bản và Ấn Độ, hai nước có căng thẳng lãnh thổ với Trung Quốc, đều củng cố quan hệ quân sự với Philippines và Việt Nam.

Chưa hết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng tuyên bố tại Hội nghị cấp cao an ninh châu Á Shangri-La tại Singapore hồi đầu tháng 6 rằng, đến năm 2020 Lầu năm góc sẽ triển khai 60% lực lượng hải quân của mình - bao gồm 6 đội tàu sân bay chiến đấu - ở sân khấu châu Á- Thái Bình Dương. Điều này dường như đã minh chứng cho chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á mà tổng thống Barack Obama công bố và nhận được rất nhiều sự ủng hộ hồi đầu năm nay.

Những diễn biến trên có lẽ đã đẩy quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Bắc Kinh theo hướng tăng cường các sách lược quyết liệt trên trường ngoại giao và an ninh quốc tế.

Trên lý thuyết, các quan chức đảng và chính phủ vẫn chưa từ bỏ chính sách đối ngoại nổi tiếng của nhà lãnh đạo đáng kính Đặng Tiểu Bình thời kỳ đầu những năm 1990: "Ẩn mình chờ thời". Ngày càng nhiều học giả và cố vấn quân sự nhiều ảnh hưởng của Bắc Kinh cho rằng do vị thế siêu cường quốc tế sắp hình thành của Trung Quốc và tính chất quyết liệt trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và các đồng minh châu Á - cách tiếp cận "ẩn mình" đã trở nên không còn phù hợp. Còn theo lý thuyết gia quân sự nổi tiếng Dương Nghi, "Trung Quốc đơn giản không còn có thể ẩn mình được nữa".

"Khi có bất kỳ quốc gia nào xâm phạm an ninh và lợi ích của chúng ta, chúng ta phải kiên quyết tự vệ", chuẩn đô đốc Dương trả lời phỏng vấn của Tân hoa xã. "Các biện pháp phản công [được Bắc Kinh tiến hành] nên diễn ra 'nhanh gọn, tiết kiệm và hiệu quả' - không có chỗ cho sự mơ hồ để tránh những hậu quả [không mong muốn] về sau". Tờ báo diều hâu Hoàn cầu thời báo, tập san thuộc báo Nhân dân ngày nay của Trung Quốc, có bài xã luận nêu rõ, để bảo vệ lợi ích quốc gia, "Trung Quốc phải dám bảo vệ các nguyên tắc của mình và có can đảm đối phó với nhiều quốc gia cùng một lúc".


Thực vậy, phản ứng trực tiếp của Bắc Kinh đối với tuyên bố của Panetta hầu như không còn phù hợp với khẩu hiệu "ẩn mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình nữa. Người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc tham dự Hội nghị Đối thoại an ninh Shangri-La, trung tướng Nhậm Hải Tuyền, giữ quan điểm cứng rắn khi phản ứng trước kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại châu Á của Lầu năm góc. "Chúng tôi đã tính đến kịch bản xấu nhất", ông Nhậm, người đồng thời cũng là Phó chỉ huy trưởng Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, nói. Ông bổ sung thêm, "một khi lợi ích của Trung Quốc bị xâm hại, các biện pháp trả đũa của chúng tôi sẽ rất đáng sợ".

Trong khi đó, một số nhà bình luận quân sự trên các trang truyền thông nhà nước Trung Quốc không hề e ngại đe dọa sử dụng phương tiện quân sự để giải quyết các mâu thuẫn ngoại giao. Thiếu tướng La Viện, một nhà bình luận tên tuổi trên các trang truyền thông, cũng tái khẳng định Quân đội giải phóng nhân dân sẵn sàng "dạy cho Philippine một bài học". Ông La Viện đặc biệt phê phán các thành phần theo chủ nghĩa dân tộc ở cả trong và ngoài chính phủ Philippine đã kích động mối quan hệ với Trung Quốc. Trong bài viết hồi tháng trước, ông nói rõ, "nếu Philippine không thể đưa người dân mình vào khuôn phép, hãy để chúng tôi chỉ cho họ thế nào là nguyên tắc". Về cách ứng xử của hải quân Philippine, ông này cảnh báo, "Chúng tôi đã nhiều lần thể hiện thái độ nhẫn nại và chúng tôi đã chịu đựng hết giới hạn. Không cần thiết phải thể hiện sự khoan dung thêm nữa".

Tiêu biểu cho quan điểm quả quyết hơn của Bắc Kinh thể hiện ở cái gọi là chính sách đối ngoại lợi ích quốc gia cốt lõi, và rộng hơn, là ngoại giao "ranh giới đỏ" (red line diplomacy). Nói một cách đơn giản, điều đó có nghĩa là Bắc Kinh muốn vẽ ra những đường đỏ bao quanh những khu vực địa lý được cho là thống nhất với "lợi ích quốc gia cốt lõi" của nước này. Nếu nhận thấy một cường quốc bên ngoài nào xâm phạm vào vào những khu vực ranh giới đỏ này, Bắc Kinh có quyền trả đũa bằng quân sự và các chiến thuật cứng rắn khác. Trước đây, "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Bắc Kinh chỉ đơn thuần đề cập đến các vấn đề thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ - đơn cử như Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương không được phép ly khai.

Tiếng chuông báo động bắt đầu rung lên ở Washington và một số nơi khác tại châu Á vào tháng 3/2010 khi hai quan chức cấp cao Mỹ được các quan chức Trung Quốc cho biết rằng Bắc Kinh coi Biển Đông nằm trong lợi ích quốc gia cốt lõi. Trong một tuyên bố chính thức vài tháng sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương có lẽ đã cố gắng xoa dịu tình hình khi không nêu tên đích danh các vị trí cụ thể khi ông đưa ra định nghĩa chính thức về lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Ông ta nói, "Các khu vực liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích phát triển đều thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".

Giả sử "lợi ích phát triển" của Trung Quốc bao gồm những nguồn cung cấp dầu mỏ và khí gas cũng như các khoáng sản chiến lược, thì định nghĩa của ông Tần Cương có thể hiểu là bao gồm cả các đảo ở Biển Đông, nơi được cho là chứa đựng nhiều tài nguyên dầu khí.

Theo sau cuộc khủng hoảng đang diễn ra với Manila - tuyên bố quan trọng của Panetta - các nhà lý thuyết Trung Quốc đã kêu gọi thúc đẩy chính sách ranh giới đỏ một cách hào hứng hơn bao giờ hết. Nhà bình luận Đinh Cương của tờ Nhân dân hằng ngày nêu rõ Biển Đông là một phần quan trọng trong lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc. "Chúng tôi đã vẽ một bộ đường ranh giới [trên Biển Đông] để Mỹ cảnh báo người dân mình điều gì có thể làm và điều gì không được làm", ông viết trên tờ cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc. "Người Mỹ cần được giúp đỡ để ý thức rõ hơn về xu hướng bá quyền của mình. Điều này không chỉ cần thiết mà còn có lợi cho Mỹ".

Các quan chức cấp cao cũng công khai hơn khi nói quần đảo Điếu Ngư đang tranh chấp (mà phía Nhật Bản gọi là Senkakus) trên biển Hoa Đông là một phần không thể thách rời trong lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại Bắc Kinh hồi tháng trước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo có thể đã đưa ra lời phàn nàn về quan điểm của Tokyo đối với quần đảo Điếu Ngư cũng như đối với khu tự trị Tân Cương. Truyền thông nhà nước còn dẫn lời ông Ôn Giao Bảo hối thúc ông Noda "tôn trọng lợi ích cốt lõi và các quan ngại chính của phía Trung Quốc".

Ngoại giao ranh giới đỏ còn bao gồm việc trừng phạt một số nước có nhà lãnh đạo hoặc tiếp xúc với Dalai Lama hoặc cho phép Tân Cương Hồi giáo World Uighur Congress, tổ chức ủng hộ một số hình thức độc lập cho Tân Cương, tổ chức hội nghị ở nước mình. Bắc Kinh đã ngừng một loạt các trao đổi cấp cao với Anh sau khi Thủ tướng David Cameron có "một cuộc gặp riêng" với Dalai Lama tại nhà thờ thành Saint Paul ở Luân Đôn hồi tháng trước.

Điều này gợi nhớ tới "hình phạt" mà Bắc Kinh áp dụng đối với Đức, Pháp và Mỹ sau khi nhà lãnh đạo các nước này tiếp xúc với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, Bắc Kinh vẫn "bình thường hóa quan hệ" với các nước bị trừng phạt có liên quan đến nhân tố Dalai Lama sau một thời gian gián đoạn, nhiều nhất là vài tháng.

Cũng gây tranh cãi không kém là việc Bắc Kinh sử dụng ngày càng thường xuyên hơn vũ khí kinh tế để giải quyết những bất đồng ngoại giao. Trong cuộc tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra với Manila, Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu trái cây và sản phẩm nông nghiệp Philippine. Có thông tin cho rằng Bắc Kinh còn kêu gọi các tổ chức du lịch Trung Quốc không tổ chức các tua du lịch tới Philippine.

Động thái bất thường này là bước phát triển xa hơn của chiến lược "đất hiếm" đầy tranh cãi của chính phủ Trung Quốc từng được sử dụng để gây áp lực lên Tokyo vào cuối năm 2010 sau khi thuyền trưởng của một tàu cá Trung Quốc bị cảnh sát biển Nhật Bản bắt giữ khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Bắc Kinh áp dụng nhiều biện pháp hạn chế lượng khách tham quan Trung Quốc tới Nhật Bản. Đầu năm nay, Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia khác đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lên án Trung Quốc cố tình cắt giảm xuất khẩu khoáng sản đất hiếm, một thành phần quan trọng trong đa số các sản phẩm công nghệ cao. WTO đã tiến hành điều tra bất chấp sự từ chối kịch liệt của Bắc Kinh.

Cho tới gần đây, Trung Quốc vẫn luôn thận trọng để không lẫn lộn "kinh tế với chính trị" trong quan hệ của Trung Quốc với nước ngoài. Tại đỉnh điểm của cuộc biểu tình chống Nhật Bản năm 2005, những người biểu tình Trung Quốc dưới tinh thần chủ nghĩa dân tộc đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm Nhật Bản. Lực lượng biểu tình còn kêu gọi Bộ trưởng Đường sắt không nhập khẩu công nghệ tàu siêu tốc của Nhật Bản.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại khi đó là Bạc Hy Lai đã đề nghị những người chủ nghĩa dân tộc này không nên đưa kinh tế vào các vấn đề chính trị và ngoại giao. Ông chỉ rõ, trong nền kinh tế toàn cầu hóa, việc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản cuối cùng sẽ chỉ gây hại cho Trung Quốc.

Ông lập luận, "việc tẩy chay sản phẩm [của một quốc gia khác] sẽ gây phương hại đến lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng ở cả hai nước... Nó gây tổn thương đến sự hợp tác và phát triển kinh tế của chúng ta với các nước khác". Vị bộ trưởng này bổ xung, "chúng ta sẽ bảo vệ lợi ích hợp pháp của tất cả các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, bao gồm cả các doanh nghiệp Nhật Bản". Nhìn lại xa hơn, khi Bắc Kinh phải đệ đơn hằng năm lên chính phủ Mỹ để được hưởng quy chế tối huệ quốc vào những năm 1990, các quan chức Trung Quốc cũng đã nhất định yêu cầu những thành viên trong Quốc hội Mỹ phê phán vấn đề nhân quyền của Trung Quốc "hãy tách biệt chính trị ra khỏi kinh tế".

Những trường hợp khác Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế để "ghi điểm số" ngoại giao một cách gây tranh cãi có thể thấy ở quan hệ tài chính với một số nhà nước bị phương Tây cho là "côn đồ", trong đó bao gồm những nước đang là mục tiêu áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế của LHQ. Bắc Kinh không chỉ cung cấp viện trợ kinh tế cho CHDCND Triều Tiên, mà còn duy trì mối quan hệ thương mại và đầu tư mật thiết với Iran. Kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc-Iran đạt 29,3 tỷ USD vào năm ngoái, tăng gấp hơn 10 lần so với một thập niên trước. Bắc Kinh còn chịu chỉ trích vì đã lợi dụng sự rút lui khỏi Iran của các công ty dầu mỏ phương Tây để mua lại các mỏ dầu và tài nguyên quan trọng tại đây với giá rẻ.

Có vẻ như chính sách ngoại giao trong thời gian qua của Bắc Kinh đã mang lại kết quả trong một số trường hợp cụ thể. Đơn cử, chiến lược đất hiếm dường như đóng một vai trò nhất định trong quyết định trả tự do cho vị thuyền trưởng bị bắt ở biển Hoa Đông hồi cuối năm 2010. Ngoài ra, Manila cũng trở nên ít om sòm hơn trong các cuộc phản đối chính sách Biển Đông của Bắc Kinh sau những áp lực kinh tế từ phía Trung Quốc. Nhưng nhìn chung, lựa chọn sách lược hiếu chiến và gây tranh cãi của Bắc Kinh đã gây tổn hại tới hình ảnh quốc tế của Trung Quốc - và khả năng lôi kéo bạn bè quốc tế về phía mình.

Quan ngại này thể hiện trong bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu hồi tuần trước với tựa đề "Tại sao môi trường quốc tế của Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn?" Trong bài báo có phần kích thích tư duy này, Vương Tập Tư, một chuyên gia quan hệ quốc tế khá được tôn trọng của ĐH Bắc Kinh, lập luận, "trong khi cân bằng sức mạnh toàn cầu chứng tỏ xu hướng phương Đông trỗi dậy và phương Tây đi xuống, tình thế quốc tế của Trung Quốc vẫn không được cải thiện". Trong số rất nhiều nhân tố trong và ngoài nước mà Vương phân tích có phản ứng của các nước láng giềng đối với việc áp dụng sức mạnh ngày càng quyết liệt của Trung Quốc.

"Trong quá trình Trung Quốc nâng cao năng lực quốc phòng của mình, các nước láng giềng và Mỹ không chỉ đặt ra mối hoài nghi đối với tuyên bố phát triển hòa bình của Bắc Kinh mà còn củng cố các biện pháp phòng thủ nhằm vào Trung Quốc, bên cạnh việc phối hợp với các chiến lược liên quan về Trung Quốc", ông Vương viết. "Tất cả những điều này tạo ra một áp lực lớn hơn lên an ninh quốc gia của Trung Quốc".

Một điểm quan trọng không kém dĩ nhiên là vị thế toàn cầu của Trung Quốc - và tình thế an ninh ngoại giao của nước này - lẽ ra đã khác hơn nếu nước này không sử dụng các chiến thuật đối ngoại bị cho là đi ngược lại các nguyên tắc quốc tế hiện hành. Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể muốn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi từ bỏ những câu chữ và tinh thần trong chiến lược "ẩn mình" của Đặng Tiểu Bình, điều này sẽ mang đến những thông tin báo hiệu rõ ràng về cam kết của Trung Quốc đối với các công ước ngoại giao quốc tế.

Tiến sĩ Willy Wo-Lap Lam là thành viên cấp cao Quỹ Jamestown Foundation. Ông làm ở vị trí biên tập cấp cao của nhiều trang truyền thông quốc tế, bao gồm Tạp chí  Asiaweek news, South China Morning Post, và trụ sở châu Á-Thái Bình Dương của CNN. Ông là tác giả 5 cuốn sách viết về Trung Quốc, trong đó tác phẩm xuất bản gần đây nhất là Nền chính trị Trung Quốc dưới kỳ nguyên Hồ Cẩm Đào: Lãnh đạo mới, thách thức mới.

Đình Ngân (dịch theo atimes)