- Trong năm 2014, liên tiếp có thông tin học sinh Việt Nam tham dự các cuộc thi âm nhạc quốc tế được giải cao. Đáng chú ý là những học sinh này 100% được đào tạo ở Việt Nam.

TS Tạ Quang Đông, Học viện Âm nhạc Việt Nam, người trực tiếp dẫn 4 đoàn học sinh đi thi, đã chia sẻ về việc đào tạo các tài năng âm nhạc của Việt Nam.

{keywords}

Quách Hoàng Nhi - cô bé giành được nhiều giải thưởng trong năm 2014

TS Tạ Quang Đông cho biết:

- Mỗi năm có khoảng 40 cuộc thi cho lứa tuổi nhỏ được nhiều người biết đến. Khó có thể nói giải nào hơn giải nào, nhưng các cuộc thi ở thang bậc khác nhau. Có thể, với một học sinh, giải khuyến khích ở cuộc sau lại đánh dấu một bước tiến từ giải nhất của cuộc thi trước đó.

Điều đáng ghi nhận nhất là nếu như các lớp trước, học sinh được giải phải có bàn tay chuyên gia, thì lớp hiện nay các em được đào tạo 100% với thầy Việt Nam.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc “phục kích” ở châu Âu từ lâu rồi, gửi rất nhiều giáo viên và học sinh đi học. Và bây giờ âm nhạc cổ điển của họ rất phát triển. Cuộc thi tại Áo vừa rồi, ở bảng 10 – 12 tuổi chỉ có 2 em từ ngoài châu Âu đến thi, trong đó có học sinh Việt Nam, còn lại 14 cháu rất nhiều quốc tịch nhưng đều học ở các trường giỏi tại châu Âu hết.

Hiện nay, sau khi học xong trung cấp, Nhạc viện có một số em đang học năm thứ nhất, thứ hai đại học ở Úc, Nga, Bỉ, Pháp, Canada, Hungari.

Tôi hy vọng sau khoảng 5 năm nữa, rồi sau khi học cao học, các em sẽ phát triển tốt nữa.

Quay lại những em vừa được giải, tôi nghĩ những giải này không thể so với tầm cỡ thế giới. Nhưng đây là những bước đầu tiên để có thể khẳng định là hiện nay, ở lứa tuổi này, các em đã bằng các bạn quốc tế.

Đào tạo tài năng là chu trình không lặp lại

Chứng kiến những màn trình diễn tại cuộc thi Tchaikovsky trẻ năm 2014, nghệ sĩ Bùi Công Duy e ngại rằng “chừng 20 năm nữa cũng khó mà có nổi được thí sinh vào đến vòng chung kết chứ đừng nói là đoạt giải”. Theo ông, đó có phải nhận định chính xác về khả năng bắt kịp thế giới của học sinh Việt Nam không?

- Điều đó không thể chối cãi được. Phải nhìn nhận rằng không phải từ trước tới nay mình bằng họ.

Chúng ta mới du nhập âm nhạc châu Âu vào Việt Nam từ giữa những năm 50 của thế kỷ 19, tới nay chưa đầy 100 năm.

Nói thành thật là từ trước đến nay chúng ta vẫn thua. Quan điểm của tôi là âm nhạc cổ điển là của châu Âu. Chúng ta du nhập về Việt Nam, và phải làm rất nhiều tuỳ điều kiện của mỗi giai đoạn.

Chúng ta không sợ thua mà luôn nhìn thấy đấy là cột mốc để tiến lên. Nếu nhìn vào họ mà thất vọng thì không tiến lên được. Đừng nhìn thấy quá cao mà sợ, vì từ trước tới nay họ đã là đỉnh cao rồi.

Nhưng cũng không phải chúng ta thua hết, mà âm nhạc Việt Nam có trụ cột của mình. Nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống… hơn khối người, như việc chúng ta có những học sinh tiềm năng, có đội ngũ giảng viên được đào tạo rất tốt, cơ bản.

Nhưng xét cho cùng, tại sao trước đây chúng ta đã có Bùi Công Duy, Đặng Thái Sơn, nay lại không thể?

- Cái này là đặc điểm lịch sử. Để có được người tài cần hội tụ nhiều yếu tố, thuận người thuận trời…

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn ngoài sự thông minh nhạy bén, cảm thụ âm nhạc cực tốt, anh còn kiên trì, bền bỉ đến mức mẫu mực. Anh Sơn còn có mẹ là nghệ sĩ Thái Thị Liên kèm cặp từ nhỏ, sau đó được sang Nga học thầy rất giỏi.

Trường hợp của Bùi Công Duy cũng vậy - rất thông minh, và cũng là trường hợp cha truyền con nối, rồi cũng được sang Nga học thầy giỏi.

Tất nhiên, có thể có nhiều người cũng hội tụ được những điều kiện như NS Đặng Thái Sơn, NS Bùi Công Duy. Nhưng NS Đặng Thái Sơn, NS Bùi Công Duy, với tố chất và bản lĩnh của mình, đã vượt lên hẳn.

Cùng một con đường nhưng có nhiều ngã rẽ, nên rất khó đoán.

Cũng nhiều nước đã từng có đỉnh cao rồi nhưng không có thêm. Đào tạo tài năng là một chu trình đặc biệt không lặp lại. Chẳng hạn như 300 - 400 năm nay, có ai hơn được Mozart, Bethowen?

Không thể nói được cần tập một ngày bao nhiêu thời gian, tập những bài gì để ra một tài năng.

Rồi cả việc, mặc dù người tài rất nhiều, nhưng người tài năng xuất chúng lại là chuyện khác.

Việt Nam đã có những tài năng xuất chúng, nhưng để tiếp tục phải có nhiều điều kiện. Ngày trước, ít người học nhạc nên xác suất còn nhỏ. Hy vọng âm nhạc đã phổ cập hơn, lứa tuổi học nhạc đã sớm hơn, thì như kim tự tháp, khi mặt bằng ở dưới càng lớn đỉnh sẽ càng cao.

Vậy ông có cho rằng, phải chăng, đã tới lúc có thể chờ đợi một Đặng Thái Sơn, một Bùi Công Duy mới xuất hiện?

- Hiện nay lứa tuổi 10, 12, 14 đang đợi chín. Nhưng cũng chưa chắc chắn lứa này đã hoàn thành sứ mệnh, mà phải đợi thêm.

Nhìn xung quanh, học sinh của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang cạnh tranh rất khốc liệt, gần như thắng cả châu Âu – cái nôi của nền âm nhạc bác học cổ điển.

Họ đã tiến dài dù xuất phát điểm không cao. Vì vậy mà tôi tin tưởng rằng các bạn châu Á làm được, chúng ta cũng làm được.

{keywords}
Nghệ sĩ Tạ Quang Đông và học trò (Ảnh Việt Cường)

Vừa giỏi nhạc vừa giỏi văn hóa: Đừng ảo tưởng

Gần đây phụ huynh cho con đi học nhạc rất nhiều, nhưng dường như không mong con theo nghiệp nhạc, nhất là cổ điển. Đó có phải là nguyên nhân chính khiến con đường đạt tới đỉnh cao của học sinh Việt Nam ngày càng trở nên khó khăn?

- Nhu cầu học nhạc đang ngày càng phát triển là có thật. Bằng chứng là dù nhiều, nhưng không một trung tâm dạy nhạc nào rơi vào cảnh ế ẩm.

Nhưng không nhiều phụ huynh mặn mà với việc cho con học chuyên nghiệp, dù có thể mới đầu cũng hăng hái, nhưng sau nhụt chí dần. Lý do, là phụ huynh chưa thấy chỗ làm vững chắc sau khi học.

Học nhạc rất vất vả, cần kiên trì trong khi lứa tuổi học cũng là lứa tuổi chơi, rất ít trẻ tự giác, nếu bố mẹ không say mê, không thúc ép khả năng của trẻ sẽ mai một dần.

Nếu để đưa ra một con số, 3/10 trẻ di học nhạc có say mê thật sự đã là một đánh giá rộng rãi.

Phụ huynh em Quách Hoàng Nhi là điển hình cho sự trợ giúp của bố mẹ đối với con cái. Họ rất mê âm nhạc và biết cách chăm lo, đôn đốc con. Con học, nhưng bố mẹ cũng tìm hiểu về cơ bản. Khi con tập ở nhà bố mẹ nhắc nhở những gì thầy đã nhắc, dù chưa thể kỹ càng như thầy nhưng cũng rất mất công sức.

Bên cạnh đó còn là sự say mê của trẻ. Nếu để đưa ra một con số, 3/10 trẻ đi học nhạc có say mê thật sự đã là một đánh giá rộng rãi.

Để thấy độ rơi rớt, ở học viện ước tính trung bình một lớp lấy lấy đầu vào khoảng 30 em, nhưng khi tốt nghiệp trung cấp (sau 9 năm) còn chưa đầy một nửa. Thi lên đại học được 5, 6 người và khi tốt nghiệp đại học còn 2, 3 người.

Không ít phụ huynh vẫn mang hy vọng con mình vừa giỏi văn hóa vừa tài âm nhạc, với một lịch học dày đặc ở những nơi tốt nhất cho cả hai lĩnh vực. Liệu mong mỏi của họ có là chính đáng, và có khả thi?

- Tôi thấy rằng khó có thể giỏi cả hai thứ - văn hóa và âm nhạc – cùng một lúc.

Tôi chưa thấy một tài năng âm nhạc nào – tài năng nhé, chứ không phải chỉ chơi nhạc tốt – lại giỏi cả văn hóa.

Khi còn nhỏ các em có thể học song song. Tới khi vào cấp 2 đã nên định hình, lựa chọn chỉ 1 trong 2.

Xin cảm ơn ông.

Trong vòng chung kết cuộc thi Val Tidone năm 2014 (có 40 thí sinh đến từ 11 quốc gia tranh giải), Nguyễn Hoàng Linh Phương (sinh năm 2004) giành giải nhất bảng Free, Nguyễn Hoàng Phương Thy (sinh năm 2007) giành giải nhất bảng A (lứa tuổi từ 7 - 9 tuổi) và Quách Hoàng Nhi (sinh năm 2004) giành giải nhất bảng B (lứa tuổi từ 10 - 12 tuổi). Phương Thy còn giành giải thêm đặc biệt cho thí sinh tài năng nhất.

Tiếp đó, Nguyễn Hoàng Phương Thy giành giải nhất bảng A, Quách Hoàng Nhi giành giải nhì bảng B tại cuộc thi Piano Talents (109 thí sinh đến từ 31 quốc gia tham dự).

Tại cuộc thi Piano quốc tế mang tên Rosario Marciano lần thứ 6 tổ chức tại Viên, Cộng hòa Áo (6th International Rosario Marciano Piano Competition), Quách Hoàng Nhi nhận được giải Khuyến khích (nhóm III, lứa tuổi từ 10 đến 12)...

Chi Mai thực hiện