- Hội đồng bầu cử quốc đã thận trọng trong việc xem xét, thẩm tra tư cách đại biểu QH.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử ĐBQH khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do HĐ Bầu cử quốc gia tổ chức hôm nay, Tổng bí thư cho rằng cuộc bầu cử thể hiện niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc.

{keywords}

Các đại biểu dự hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử. Ảnh: VOV

Theo Tổng bí thư, chúng ta đã làm tốt công tác nhân sự, đảm bảo phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, cơ bản đã giới thiệu được những người tiêu biểu về đức tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Tổng bí thư nhắn nhủ đến các ĐBQH và Chính phủ khóa mới: "Chính quyền do nhân dân bầu ra sẽ gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, vì nhân dân phục vụ".

'Vẫn có người đã trúng cử nhưng không đủ tư cách ĐB'

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch QH, Chủ tịch HĐ Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Thành công của cuộc bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết ĐH lần thứ 12 của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ và năm 2016, là tiền đề tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN VN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nhân dân và cử tri cả nước đã hăng hái, tích cực đi bầu cử để lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong QH, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021".

Với trên 99% cử tri cả nước đi bầu, đã có 496 ĐBQH khóa 14, 3.908 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 25.181 đại biểu HĐND cấp huyện và 292.306 đại biểu HĐND cấp xã được bầu.

"Tuy nhiên, trong quá trình bầu cử vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định, có nơi phải hủy bỏ kết quả bầu cử và tiến hành bầu cử lại; có địa phương bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu HĐND cấp xã, phải tiến hành bầu thêm, vẫn có người đã trúng cử nhưng không đủ tư cách ĐB…", bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Trình bày báo cáo cụ thể về kết quả cuộc tổng tuyển cử, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề cập trường hợp người sau khi trúng cử lại không đủ tiêu chuẩn nên HĐ bầu cử quốc gia không công nhận tư cách đại biểu QH.

Bà Phóng nhấn mạnh, HĐ bầu cử đã thận trọng trong việc xem xét, thẩm tra tư cách đại biểu. Với 2 trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và ông Trịnh Xuân Thanh, HĐ đã biểu quyết bằng phiếu không công nhận tư cách.

Theo Phó Chủ tịch QH, việc HĐ phải “bác” tư cách đại biểu QH với 2 người trúng cử vì những vi phạm, không đáp ứng tiêu chuẩn chứng tỏ các cơ quan chưa làm tốt công tác hiệp thương giới thiệu ứng viên để đảm bảo kết quả bầu cử như dự kiến.

Như vậy, có 494 ĐB đủ tư cách tham gia QH khóa 14.

Cũng qua xác nhận tư cách, cả nước có 3.907 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 25.180 cấp huyện và 292.305 cấp xã được công nhận.

Một số hạn chế của cuộc bầu cử, bà Tòng Thị Phóng cho biết, là chưa bầu đủ 500 ĐBQH như dự kiến, vẫn còn trường hợp sau khi trúng cử không đủ tư cách, không được HĐ Bầu cử quốc gia không xác nhận; còn sai sót trong in ấn phiếu, phải hủy bỏ kết quả và bầu cử lại; sơ xuất trong việc kiểm soát số lượng phiếu, đóng dấu phiếu, vẫn còn trường hợp bầu hộ, bầu thay...

"Tỉ lệ nữ, người ngoài Đảng cũng chưa đạt như dự kiến", bà Tòng Thị Phóng nói.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bật cập trên, theo HĐ Bầu cử quốc gia, là do lần đầu thực hiện theo luật Bầu cử 2015, có nhiều quy định mới gây lúng túng.

Chung Hoàng