Nếu như một năm về trước, khi xăng RON 95 ở mức 19.530 đồng/lít, chiếc ôtô Ford Fiesta có dung tích bình xăng là 43 lít của anh Nguyễn Mạnh (TP.HCM) chỉ cần đổ khoảng 600.000 đồng sẽ gần đầy. Tuy nhiên, đến nay khi loại xăng này tăng vọt lên mức 30.650 đồng/lít, anh phải chi tới 1,2 triệu đồng mới có thể đổ đầy bình.
Vì công việc di chuyển nhiều, mỗi tháng người đàn ông này phải đổ trung bình 4 lần, tương đương thời gian gần đây phải chi hơn 4 triệu đồng/tháng cho riêng khoản đi lại. "Giá xăng kéo theo giá hàng hóa, chi tiêu sinh hoạt tăng chóng mặt trong khi năm ngoái đến năm nay thu nhập vẫn duy trì ở con số gần 20 triệu đồng/tháng", anh than.
Chỉ sau một năm, giá xăng trong nước đã tăng tới 11.120 đồng/lít, tương đương tăng 56,9%. Giá mặt hàng này bị đẩy lên cao và liên tục lập đỉnh kéo theo giá hàng hóa tăng đè nặng lên cuộc sống của người dân, doanh nghiệp.
Giá xăng tăng gấp 3 lần trong 2 năm
Ngày 28/4/2020, giá xăng RON 95 trong nước xuống còn 11.630 đồng/lít - mức thấp nhất trong 11 năm qua trong bối cảnh lượng cầu sụt giảm do đại dịch Covid-19, giá dầu thô xuống âm 37,63 USD/thùng.
Kể từ thời điểm đó đến nay, giá xăng liên tục leo thang và vọt lên mốc 30.650 đồng/lít - mức cao nhất lịch sử trong kỳ điều chỉnh ngày 23/5 vừa qua. Đây cũng là lần tăng thứ 10 của mặt hàng này chỉ trong hơn 5 tháng đầu năm 2022.
Như vậy chỉ sau gần 2 năm, giá xăng E5 RON 92 đã đắt thêm 18.690 đồng/lít (tương đương 170,8%) và 19.020 đồng/lít đối với xăng RON 95 (tương đương 163,5%).
Trong các yếu tố khiến CPI 4 tháng đầu năm tăng 2,1%, theo Tổng cục Thống kê, đà tăng giá của xăng dầu trong nước là một trong những nguyên nhân chính. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76%.
Theo số liệu của Gas Petrol Price, so với các nước trong khu vực, mỗi lít xăng Việt Nam hiện cao hơn Malaysia (0.466 USD tức 10.820 đồng); Indonesia (1.136 USD, tức 26.377 đồng). Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người Việt lại thấp hơn các quốc gia này.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng. Do đó, một lít xăng đang chiếm khoảng 16,13% trong thu nhập hàng ngày của người Việt Nam.
Giá xăng dầu thế giới bình quân tính đến ngày 24/5 so với bình quân của tháng 1 có xu hướng tăng 40,66-51,52% tùy từng chủng loại. Đà tăng của giá xăng dầu không chỉ dừng lại ở 10 kỳ điều hành mà ngày 1/6 tới giá các mặt hàng này được các doanh nghiệp dự báo có thể có đợt tăng mới, đưa giá xăng lập kỷ lục 3 lần liên tiếp.
Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá dầu thô thế giới lúc 22h ngày 24/5 (theo giờ Việt Nam) giá dầu thô WTI và Brent được giao dịch ở mức 110-113 USD/thùng, tăng 0,9-1%.
"Giá dầu tăng cao hơn do nguồn cung của các sản phẩm dầu mỏ tinh chế ở Mỹ liên tục bị thắt chặt. Tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine cũng có khả năng thúc đẩy giá", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao của hãng nghiên cứu Asia Pacific OANDA (có trụ sở ở Singapore) - giải thích với Zing.
Thị trường liên tiếp có mặt bằng giá mới
Theo khảo sát của Zing vào tháng 2/2022, giá thực phẩm tươi sống, sữa, gạo, trứng, dầu ăn và các loại thực phẩm chế biến sẵn... đã tăng 10-30% so với thời điểm đầu năm 2021 vì đà tăng liên tục của giá xăng dầu. Nhiều quán ăn vừa và nhỏ cũng điều chỉnh giá bán vì sức ép giá nguyên liệu tăng.
Tuy nhiên đến nay, thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5, thị trường tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới. Giá dầu ăn đã có 3 lần liên tiếp tăng và ghi nhận mức tăng tới 50% so với đầu năm; trứng tăng 10.000-15.000 đồng, tương đương tăng 30% so với đầu năm; giá gạo tăng 20-30%; nước mắm tăng 10-15%...
Giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận chuyển tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến khác như mỳ sợi, mỳ, phở... tăng 0,38% so với tháng trước; bột mì tăng 0,77%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,45%; bánh mì tăng 0,89%.
Báo cáo kinh tế thường kỳ của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa được công bố nhận định áp lực lạm phát đang gia tăng rất mạnh. Chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số giá nguyên liệu cho sản xuất cho thấy xu hướng tăng giá sản xuất khá rõ.
"Áp lực lạm phát và gia tăng chi phí sản xuất ngày càng mạnh mẽ do thiếu hụt nguồn cung, trong khi xung đột Nga - Ukraine đang làm trầm trọng thêm các vấn đề về nguồn cung năng lượng, khí đốt và lương thực (ngũ cốc), đồng thời, làm tăng nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng, vận tải và logistic", báo cáo chỉ rõ.
Trao đổi với Zing bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng trong lúc này Chính phủ phải hành động ngay, áp dụng một cách đồng bộ các chính sách tài khóa và tiền tệ để tránh giá cả tăng quá cao.
Cơ quan chức năng phải tăng cường chống đầu cơ, chống "tát nước theo mưa", phải tăng cường kiểm soát giá và bình ổn giá. "Nghĩa là cần có công cụ để tránh việc khi giá cả xăng dầu tăng lên, gây phản ứng dây chuyền làm tăng cao quá mức các mặt hàng khác", ông lưu ý.
Đại biểu Quốc hội cho rằng cần tiếp tục xem xét giảm thuế thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện còn 50% dư địa sắc thuế thuế bảo vệ môi trường chưa dùng đến. Ngoài ra, mỗi lít xăng đang gánh khoảng 10% thuế tiêu thụ đặc biệt. Nghĩa là với giá xăng cơ sở nhập vào để tính thuế là 20.000 đồng, thì mức thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào là 2.000 đồng.
(Theo Zing)