Đà Nẵng đề ra lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn thành 3 giai đoạn. Trong đó, từ 2022 đến 2025 là giai đoạn khởi động; từ 2025 đến 2030 là giai đoạn phát triển và từ 2030 đến 2045 sẽ tăng tốc, hành động ở quy mô thành phố và dự kiến đến cuối năm 2045 Đà Nẵng sẽ cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn.
Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” giai đoạn 2021 - 2030 được UBND thành phố ban hành tại Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 2/4/2021 gồm nhiều mục tiêu theo từng giai đoạn, và kèm theo đó là các tiêu chí, chỉ tiêu về chất lượng môi trường, quản lý môi trường một cách dài hạn, bền vững.
Mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những công cụ hữu hiệu, là cách tiếp cận mới hiện nay đối với hầu hết các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần hướng đến mục tiêu chung giảm phát thải trên toàn cầu.
Một số nhiệm vụ cụ thể như Ban Quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) và các khu công nghiệp (KCN) chủ trì triển khai xây dựng 1 KCN đạt các tiêu chí sinh thái đến năm 2025, trong đó có những giải pháp liên quan đến kinh tế tuần hoàn; Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu hoạt động quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương tham mưu về lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Sở Giao thông tham mưu về lĩnh vực giao thông công cộng, giao thông xanh, Sở Du lịch tham mưu về mô hình hoạt động du lịch xanh bền vững,…
Dự án “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam” được UBND thành phố phê duyệt tiếp nhận tại Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 28/1/2022 được triển khai trong giai đoạn 2022 - 2024. Hiện nay, các nội dung dự án đang được Sở TN&MT phối hợp với Tổ chức iDE chủ trì triển khai các hợp phần hoạt động.
Đến nay, các đơn vị chức năng cũng đã tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho tối thiểu 50 cơ sở thu gom và cơ sở tái chế và mạng lưới người thu gom, thiết kế tài liệu và chương trình tập huấn; thực hiện khảo sát tình hình thực tế và báo cáo đánh giá hiện trạng của cửa hàng thu gom, cơ sở tái chế, phối hợp triển khai các giải pháp.