Thành phố Đà Nẵng đã xác định xây dựng thành phố thông minh là bước tiếp theo của Chính quyền điện tử, trong đó CNTT-TT được sử dụng như một công cụ để giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại dựa trên dữ liệu và thông tin được thu thập, lưu trữ, xử lý, phân tích và hỗ trợ ra quyết định.
Kế thừa kết quả đạt được từ quá trình xây dựng chính quyền điện tử và thí điểm ứng dụng thông minh, qua nghiên cứu, tham khảo các mô hình, tiêu chuẩn thành phố thông minh trên thế giới và thực tiễn, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, năm 2018 UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh Đà Nẵng, trong đó tập trung triển khai thông minh cho vào 6 trụ cột và 16 lĩnh vực chuyên ngành.
Trên cơ sở đó, cũng trong năm 2018, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án xây dựng TPTM giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu thông minh hóa các ứng dụng vào năm 2025 và đến năm 2030, sẽ thông minh hóa ứng dụng cộng đồng, song hành với phát triển khởi nghiệp, sáng tạo.
Việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh đã và đang được Đà Nẵng triển khai dựa trên 3 trục tam giác Hạ tầng - Dữ liệu - Thông minh. Trong từng giai đoạn, việc triển khai các trục thực hiện theo lộ trình, trọng số và mức độ ưu tiên khác nhau. Cách làm của Thành phố Đà Nẵng là triển khai trên “Một nền tảng - Một hạ tầng - Một chính sách - Đa đối tác - Đa ứng dụng” để bảo đảm trong việc triển khai đồng bộ, có kế thừa, rút ngắn thời gian triển khai; kết nối, liên thông; sẵn sàng hợp tác với mọi tổ chức, doanh nghiệp.
“Trạm quan trắc môi trường nước bằng năng lượng mặt trời” giúp người dân và nhà quản lý tại Đà Nẵng dễ dàng theo dõi chất lượng nước qua Internet (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn) |
Trong đó, môi trường thông minh là một trong những thành phần của Trục Thông minh. Đến nay, Đà Nẵng đã triển khai trạm quan trắc tại 6/11 trạm xử lý nước thải nước thải và các trạm quan trắc tại các đơn vị hoạt động sản xuất có công suất xả nước thải trên 1.000m3/ngày đêm; 1 trạm quan trắc môi trường nước trên sông Cầu Đỏ; 9 trạm quan trắc nước ao, hồ; 2 trạm quan trắc không khí.
Cùng với đó, thành phố cũng đã xây dựng nền tảng dịch vụ tích hợp quan trắc môi trường, đến nay đã tích hợp 36 trạm quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố phục vụ giám sát tập trung, cảnh báo tự động các sự cố môi trường.
Triển khai Hệ thống SCADA giám sát lưu lượng, áp lực nước, tốc độ dòng chảy thông qua các thiết bị cảm biến tại Nhà máy nước Cầu Đỏ. Hệ thống kiểm soát trực tuyến chất lượng nước của nguồn nước mặt thô (nước đầu vào), nước sau xử lý và nước đưa vào mạng lưới cung cấp cho khách hàng
Đồng thời, Đà Nẵng đã triển khai hệ thống SCADA giám sát, điều khiển các trạm biến áp, trạm trung gian, cầu giao cách ly cho lưới điện; Thành phố đã hình thành Trung tâm giám sát tập trung điện chiếu sáng công cộng, triển khai thay thế đèn LED tại 19 tuyến đường trên địa bàn thành phố; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe rác và hệ thống camera trên xe rác để theo dõi, giám sát chất lượng hoạt động thu gom rác.
Trong năm 2021, địa phương này đã mở rộng, bổ sung các trạm quan trắc: 6 trạm quan trắc không khí tại hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, Trung tâm hành chính quận Ngũ Hành Sơn, Trung tâm hành chính Sơn Trà, Trung tâm hành chính quận Thanh Khê, Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang và ngã ba Phạm Hùng-QL1A; 4 trạm quan trắc nước biển: Bãi tắm Non nước, Bãi tắm Phạm Văn Đồng, Bãi Rạng, Cảng Tiên Sa; 5 trạm quan trắc nước sông ở hạ lưu các sông Hàn, Cu Đê, Phú Lộc và lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn.
Việc xây dựng hệ thống quan trắc, quản lý, giám sát thu gom nước thải và xử lý nước thải toàn thành phố Đà Nẵng cũng đã được hoàn thành.
Hàng loạt giải pháp được triển khai kể trên của Đà Nẵng trong lĩnh vực quản lý môi trường thông đã góp phần mang lại những kết quả bước đầu cho thành phố trong xây dựng thành phố thông minh, bên cạnh việc điều hành, quản lý thông minh hay y tế thông minh.
Vân Anh
Thông minh và bền vững là hướng đi tất yếu cho các đô thị tại Việt Nam
Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững đã quy tụ các chuyên gia hàng đầu cùng thảo luận về cách đẩy mạnh mối quan hệ cộng sinh giữa đô thị thông minh và tính bền vững.