da nang di cho cong nghe so.jpg
Mô hình thanh toán không dùng tiền mặt đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi số của Đà Nẵng.

Từ chợ 4.0 đến hàng loạt chợ, tuyến phố, tuyến đường triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Sau hơn 1 năm triển khai mô hình Chợ 4.0, đến nay chợ Hàn ở Thành phố Đà Nẵng có gần 800 tiểu thương sử dụng mã code VietQR hoặc các ví điện tử, mã QR code của các ngân hàng để giao dịch, giúp các tiểu thương và người dân đi chợ mua hàng được kết nối nhanh chóng và thuận tiện.

Cùng với chợ Hàn, còn có chợ Cồn và chợ Đống Đa là ba khu chợ đầu tiên nằm ở trung tâm thành phố được thí điểm mô hình Chợ 4.0. Sau một thời gian ngắn triển khai, hơn 1000 tiểu thương tại 3 chợ đã kết nối với 37 ngân hàng và các ví điện tử tại tài khoản Viettel Money để giúp khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng mọi lúc, mọi nơi.

Chị Nguyễn Thị Ngoan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, trước đây, việc đi chợ rất rườm rà vì chị phải mang theo tiền mặt, mặc dù tài khoản của chị có thể thanh toán online được nhưng tiểu thương ở chợ lúc đó rất ít người sử dụng tài khoản hay ví điện tử để thanh toán. Tuy nhiên, hiện nay, khi đi chợ chị không phải cầm theo tiền mặt vì các tiểu thương đều đã sử dụng mã Qrcode hoặc các ví điện tử để quét thanh toán nên giao dịch  khá nhanh, tiện lợi và rất an toàn.

Tại Đà Nẵng, ngoài các chợ 4.0 ở quy mô cấp thành phố như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa thì hiện nay, nhiều chợ thuộc quản lý cấp quận, phường cũng đã và đang triển khai mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt. Như chợ Hà Thân của phường An Hải Tây (quận Sơn Trà); huyện Hoà Vang triển khai hàng loạt chợ gồm: Chợ Túy Loan ở xã Hòa Phong, chợ Miếu Bông ở xã Hòa Phước, chợ Lệ Trạch ở xã Hòa Tiến;…

Ngoài triển khai mô hình chợ 4.0, chợ thanh toán không dùng tiền mặt, để nhân rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thì thành phố Đà Nẵng tiếp tục triển khai thêm nhiều tuyến phố, tuyến đường có hoạt động kinh doanh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. 

Đầu tiên là triển khai thanh toán không tiền mặt tại 4 tuyến phố ở trung tâm thành phố như Lê Thanh Nghị, Phan Đăng Lưu, Hùng Vương, Nguyễn Hữu Thọ; sau đó nhân rộng ra ở nhiều tuyến đường của các quận, huyện của thành phố. Tại huyện Hoà Vang đã chỉ đạo 11 xã triển khai mô hình "Mỗi xã một khu vực, một tuyến đường thương mại thanh toán không dùng tiền mặt"…. 

Góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi số của Đà Nẵng

Với sự tiện lợi, nhanh chóng cho cả người mua và người bán, mô hình thanh toán không dùng tiền mặt hiện đang được triển khai, nhân rộng tại các chợ, tuyến đường, tuyến phố có hoạt động kinh doanh đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi số của Đà Nẵng.

da nang cho 40.jpg
Trong chỉ tiêu thực hiện chuyển đổi số của Đà Nẵng, đến năm 2030 đạt mục tiêu triển khai 80% hộ gia đình trở lên có tài khoản giao dịch thương mại điện tử. 

Ông Nguyễn Văn Quyên, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, để tiếp tục triển khai thêm nhiều tuyến đường trong huyện thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, huyện đã tích cực tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng; phối hợp tổ công nghệ số cộng đồng trực tiếp ra quân hướng dẫn cho bà con để việc thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen hàng ngày, phấn đấu mỗi người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang trở thành một công dân số để góp phần vào công cuộc chuyển đổi số thành công của huyện.

Còn Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) Nguyễn Đình Vương cho hay, ngoài tuyên truyền các chủ trương về thanh toán điện tử, đồng thời phổ biến, hướng dẫn chi tiết cho người dân sử dụng các dịch vụ phương tiện thanh toán mới. Đến nay, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường đã áp dụng thanh toán trực tuyến; các đơn vị trường học, cơ sở y tế trên địa bàn phường đều thu phí qua mã QRCode và chuyển tiền thanh toán qua tài khoản internet banking, mobile banking; 60-80% người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản ngân hàng và thực hiện thanh toán điện tử đối với các dịch vụ thiết yếu như trả tiền điện, nước, cước viễn thông....

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của nền kinh tế số, chính vì vậy, từ năm 2016, Thành phố Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động nhằm triển khai hoạt động kịp thời và hiệu quả các nội dung nhiệm vụ của Đề án phát triển không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu lồng ghép các nội dung về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và các dự án, đề án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các cơ quan đơn vị.

Đầu năm 2023, UBND Thành phố đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 1813 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện yêu cầu của Thành phố và để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số, các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt đang được nhân rộng ở nhiều địa bàn của Thành phố Đà Nẵng.

Được biết trong chỉ tiêu thực hiện chuyển đổi số của Đà Nẵng, đến năm 2030 đạt mục tiêu triển khai 80% hộ gia đình trở lên có tài khoản giao dịch thương mại điện tử. 

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là bước tiên phong trong việc thúc đẩy triển khai thực hiện chuyển đổi số, thanh toán số, áp dụng trên nền tảng công nghệ số hình thành xã hội số văn minh của Đà Nẵng.

Văn Giáp và nhóm PV, BTV