Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa quyết định thành lập Tổ CNTT phòng chống dịch Covid-19 tại thành phố.

Ngoài Tổ trưởng là Phó Giám đốc Sở TT&TT Trần Ngọc Thạch, Tổ CNTT phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng còn có Tổ phó là ông Phạm Trúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng trực thuộc Sở Y tế và các thành viên khác là đại diện một số đơn vị trực thuộc các Sở: TT&TT, Nội vụ, Y tế cùng công chức chuyên trách CNTT công tác tại UBND các quận, huyện của Đà Nẵng.

{keywords}
Lãnh đạo Sở TT&TT và đại diện Sở Y tế, CDC Đà Nẵng họp cùng đoàn công tác của Bộ TT&TT ngày 13/8 thống nhất các nội dung công việc để truy vết F1,F2 tại Đà Nẵng qua Bluezone.

Tổ CNTT có nhiệm vụ tổ chức thực hiện, phối hợp, hỗ trợ các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố trong ứng dụng CNTT để phòng chống dịch Covid-19, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tổ CNTT cũng có nhiệm vụ tổ chức triển khai ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng theo các văn bản chỉ đạo của Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Đà Nẵng và đề nghị của các cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, tham mưu, báo cáo UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Đà Nẵng xem xét, chỉ đạo, giải quyết những công việc liên quan đến ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch Covid-19 tại thành phố.

Sở TT&TT Đà Nẵng làm cơ quan thường trực, sử dụng nhân sự, phương tiện, thiết bị của Sở và các đơn vị trực thuộc để bảo đảm điều kiện hoạt động của Tổ CNTT phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố.

Như ICTnews đã đưa tin, ngay trước thời điểm Đà Nẵng chuyển sang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch áp dụng cho “Trạng thái có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh” (0h ngày 5/9/2020), Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã nhấn mạnh, thời gian tới dịch Covid-19 trên thế giới, trong nước và thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, xác định phòng, chống dịch trong thời gian dài.

Do vậy, cần quán triệt thực hiện mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác, chủ quan trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và người dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không để dịch bệnh lây lan nhưng cũng không để đứt gãy các hoạt động kinh tế.

UBND TP. Đà Nẵng cũng đã yêu cầu người dân toàn thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp cơ bản phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, trong đó có việc khai báo y tế, cài ứng dụng Bluezone.

Nhìn lại các đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát vừa qua, CNTT đã thực sự trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch.

Cụ thể, với sự hiệu triệu của Bộ TT&TT, đã có trên 16 doanh nghiệp trực tiếp triển khai trên 20 ứng dụng khác nhau phục vụ phòng, chống dịch, hình thành nên những lá chắn góp phần bảo vệ cộng đồng. Các ứng dụng tiêu biểu có thể kể đến như: website về dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại ncov.moh.gov.vn, bản đồ dịch trên nền Vmap, ứng dụng di động khai báo y tế tự nguyện NCOVI; ứng dụng di động khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh Vietnam Health Declaration; ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone…

Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tích cực phát triển các ứng dụng công nghệ số để giúp cho cuộc sống của chúng ta vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng theo cách không tiếp xúc, hình thành một trạng thái bình thường mới. 

Để ứng phó với làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thực hiện cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh nhằm phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm nhằm nhanh chóng có biện pháp khoanh vùng dập dịch.

Theo thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), tính đến ngày 9/9/2020, số lượt cài đặt Bluezone trên cả nước đạt 22,5 triệu. Năm địa phương có tỷ lệ người dân cài Bluezone trên tổng số smartphone cao nhất lần lượt là Đà Nẵng, Quảng Trị, Hải Dương, Quảng Ninh và Quảng Nam. Đặc biệt, đến nay tổng số số trường hợp người nghi nhiễm Covid-19 (F1) và người nghi tiếp xúc với người nghi nhiễm (F2) được truy vết, phát hiện thêm qua Bluezone bổ sung cho danh sách điều tra truyền thống đã là gần 1.900 trường hợp, trong đó riêng Đà Nẵng là hơn 400 trường hợp.

 Vân Anh

Dùng ứng dụng Bluezone trở thành nếp sống hàng ngày của người dân Đà Nẵng

Dùng ứng dụng Bluezone trở thành nếp sống hàng ngày của người dân Đà Nẵng

UBND TP Đà Nẵng xác định việc cài Bluezone là một trong những biện pháp cơ bản phòng, chống dịch Covid-19 phải tiếp tục được thực hiện trong trạng thái “bình thường mới” và cần trở thành nếp sống, ứng xử phù hợp của toàn thể người dân.