XEM VIDEO:
Thời gian qua, người dân đến khám bệnh tại trung tâm y tế quận Cẩm Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) tiếc nuối khi chứng kiến của lò đốt rác thải y tế “cửa đóng then cài”.
Đắp chiếu hơn 10 năm
Công trình được đầu tư xây dựng trị giá gần 2 tỷ đồng bao gồm lò đốt rác thải y tế và 2 máy hấp sấy khử trùng, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ từ nguồn vốn vay ODA.
Tháng 4/2008, công trình này chính thức đi vào hoạt động với mục đích giải quyết triệt để tình trạng rác thải y tế sau quá trình khám, chữa bệnh.
Lò đốt rác y tế đầu tư gần 2 tỷ đồng ngưng hoạt động hơn 10 năm |
Thế nhưng, sau vài lần vận hành thử, lò đốt bị người dân phản đối vì xả khói ra khu dân cư. Từ đó, người dân ra vào trung tâm y tế quận Cẩm Lệ chỉ thấy lò đốt này “cửa đóng then cài” không hoạt động. Do không sử dụng, qua một thời gian dài nên hiện lò đốt đang xuống cấp.
Đến chăm sóc người thân, ông Nguyễn Tuấn Anh (ngụ phường Hòa Thọ Tây) băn khoăn: “Công trình tiền tỷ lại bỏ không vậy thật lãng phí. Chúng tôi không biết các cơ quan chức năng ở đâu, sao lại không kiểm tra, điều chỉnh hay sửa chữa lại phù hợp để sử dụng”.
Lâu ngày không sử dụng lò đốt đang xuống cấp nghiêm trọng |
Bỏ tiền thuê xử lí rác
Ông Trần Thiện Hùng, GĐ trung tâm y tế quận Cẩm Lệ cho biết, dù trung tâm có một lò đốt chất thải y tế hoành tráng, quy mô nhưng hiện toàn bộ rác thải của trung tâm phải hợp đồng với công ty Môi trường đô thị để thu gom, mỗi năm tiêu tốn hơn 150 triệu đồng.
Theo ông Hùng, kết cấu thiết kế lò đốt được vận hành theo nguyên tắc xử lý triệt để lượng rác thải bằng việc đốt kín trong lò. Khói thải ra môi trường đã được một đơn vị kiểm định và đã đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên vì khói bay từ lò ra khu dân cư nên người dân phản đối, buộc phải đóng cửa.
Vị này cho biết, cuối tháng 3/2019 lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có cuộc họp với lãnh đạo Sở Y tế, Sở TN&MT cùng một số đơn vị về việc lò đốt rác thải y tế bỏ không.
Phía bên ngoài lò đốt được rào thép B40 tránh người dân tiếp cận |
Tại cuộc họp, lãnh đạo TP đã giao các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn diện để xác định khả năng hoạt động của lò đốt rác.
Trường hợp còn hoạt động, Sở TN&MT xác định kinh phí tu sửa, khắc phục để lò hoạt động đảm bảo hiệu quả theo quy định hiện hành, đề xuất vị trí sử dụng lò đốt phù hợp và báo cáo TP xem xét, quyết định.
Trong trường hợp lò đốt không còn hoạt động được, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Tài chính, trung tâm y tế quận Cẩm lệ và các đơn vị liên quan thanh lý theo quy định. Giao Sở Ngoại vụ phối hợp với các đơn vị nghiên cứu thủ tục để kết thúc dự án xử lý chất thải rắn y tế từ vốn ODA của Nhật Bản.
Đại biểu Quốc hội vào cuộc vụ nhà máy men gây hôi thối ở Đồng Nai
Với tư cách là ĐBQH tỉnh Đồng Nai, tôi sẽ thúc đẩy cơ quan chức năng sớm giải quyết bức xúc của dân liên quan việc nhà máy men AB Mauri xả thải.
Vĩnh Định