Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2024 khai mạc đêm 08/6/2024, các đêm trình diễn tiếp theo diễn ra vào ngày 15/6, 22/6, 29/6/2024 và đêm chung kết ngày 13/7/2024. Những năm qua, DIFF đã trở thành sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế góp phần tạo dựng thương hiệu cho du lịch Đà Nẵng.
Do đó, công tác chuẩn bị, trong đó bao gồm việc ổn định thị trường và đảm bảo an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng góp phần tổ chức thành công sự kiện.
Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm
Căn cứ Kế hoạch của UBND thành phố Đà Nẵng về việc Tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường trước và trong thời gian diễn ra dịp Lễ 30/4, 01/5 và Lễ hội pháo hóa quốc tế Đà Nẵng 2024. Kế hoạch được triển khai thực hiện từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 7/2024.
Trước ngày khai mạc DIFF 2024, Cục QLTT thành phố đã tổ chức hội nghị quán triệt công tác ra quân toàn lực lượng triển khai kiểm tra, bình ổn thị trường trước, trong và sau thời gian diễn ra Lễ hội đến toàn thể công chức, kiểm soát viên thị trường thuộc Cục.
QLTT thành phố quán triệt huy động lực lượng ra quân toàn bộ 100% trong những ngày diễn ra cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế. Cục phân công cụ thể các Đoàn công tác, Tổ công tác, công chức, kiểm soát viên thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường trên từng khu vực của quận Sơn Trà và quận Hải Châu; Đảm bảo ổn định tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người dân và du khách;
Thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở lưu trú, các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch, dịch vụ tàu du lịch,... trên địa bàn thành phố; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết, tăng giá bất hợp lý, đầu cơ, giữ phòng và các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại;
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan tại địa phương nhằm thực hiện tốt công tác bình ổn giá thị trường, kết hợp công tác tuyên truyền pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ;
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết; yêu cầu thực hiện việc niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại vị trí dễ quan sát theo đúng quy định của pháp luật.
Với sự ra quân của toàn bộ lực lượng, Cục QLTT thành phố chủ động trong công tác chuyên môn, tích cực phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn TP nhằm kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo ổn định tình hình thị trường hàng hóa, dịch vụ trong thời gian diễn ra Lễ hội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Kiểm tra thực tế các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống
Chuẩn bị chu đáo cho DIFF 2024, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Đà Nẵng phối hợp các lực lượng, địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cơ sở lưu trú, bảo đảm ATTP cho người dân và khách, không để xảy ra sự cố mất ATTP, ngộ độc thực phẩm.
Trước và trong thời gian diễn ra DIFF 2024, Ban quản lý tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn các quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Đồng thời giám sát ATTP đối với các tiệc chiêu đãi của lãnh đạo thành phố, nơi lưu trú của các đội tham gia thi bắn pháo hoa.
Trong đó, Đoàn sẽ kiểm tra thực tế các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống về thủ tục hành chính (Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy khám sức khỏe, danh sách xác nhận kiến thức của chủ cơ sở và nhân viên chế biến, hóa đơn chứng từ về nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm…), nguồn nước sử dụng, điều kiện cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, bày bán thực phẩm;
Lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP (trong trường hợp cần thiết); lập biên bản thanh tra, kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính (nếu có); phân tích, đánh giá hồ sơ liên quan ATTP, kết quả kiểm nghiệm thực phẩm,…
Song song đó, giám sát công tác đảm bảo ATTP về việc kiểm thực 3 bước từ khâu thu mua nguyên liệu thực phẩm đến quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại các khách sạn, nhà hàng; chế độ lưu mẫu thực phẩm từ 24 - 48 giờ theo quy định. Qua kiểm tra, Đoàn sẽ xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Ban quản lý ATTP thành phố cũng đề nghị UBND các quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà chỉ đạo phòng chuyên môn thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý (hộ kinh doanh) trên địa bàn.
Đồng thời, các quận chỉ đạo UBND các phường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm chưa đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý trong thời gian diễn ra Lễ hội.
Tại quận Hải Châu, Phòng Y tế quận đã chủ động tham mưu UBND quận xây dựng kế hoạch nhằm bảo đảm ATTP cho người dân và du khách. Từ nay đến hết ngày 13/7, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố;
UBND các phường cũng xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố theo phân cấp quản lý; đặc biệt là tại các địa bàn có điểm giữ xe phục vụ pháo hoa.