Ngày 20/12, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, năm 2023, khách do cơ sở lưu trú phục vụ dự kiến đạt hơn 7,39 triệu lượt, tăng gấp 2 lần so với năm 2022, bằng 92% so với 2019. Trong đó khách quốc tế dự kiến đạt hơn 1,98 triệu lượt. Doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành dự kiến đạt gần 28 nghìn tỷ đồng.
Có 9 nhóm sản phẩm du lịch thu hút khách đến Đà Nẵng gồm: du lịch lễ hội/sự kiện, du lịch văn hóa – lịch sử, vui chơi giải trí, du lịch biển, nghỉ dưỡng biển, du lịch về đêm, du lịch đường thủy, du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp, du lịch MICE, du lịch Golf, du lịch cưới.
Trong đó du lịch cưới là sản phẩm mới. Đà Nẵng đang thu hút khách trong nước và quốc tế tổ chức đám cưới tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao và kết hợp du lịch cùng gia đình. Tổng lượng khách tham dự các sự kiện cưới ước 25.000-30.000 người.
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, tính đến nay đơn vị này đã xúc tiến khôi phục và mở mới 24 đường bay đến Đà Nẵng, gồm 8 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế thường kỳ, tần suất trung bình 90-140 chuyến bay mỗi ngày, trong đó: 42-48 chuyến quốc tế. Năm 2023 có 40 nghìn chuyến bay đến Đà Nẵng, tăng 1,35 lần so với năm 2022 và phục hồi 82,3% so với năm 2019.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tình hình du lịch năm 2024 dự báo có thuận lợi với sự quay trở lại của thị trường Trung Quốc. Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tạo điều kiện cho việc đầu tư triển khai nhiều dự án trọng điểm, động lực hình thành sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao.
Bên cạnh đó, thành phố đồng ý chủ trương thí điểm một số hoạt động dịch vụ nhằm tạo sản phẩm du lịch mới như thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng, thí điểm dịch vụ du lịch ban đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi…
Tuy nhiên, theo đơn vị này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cho du lịch Đà Nẵng. Đó là tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến du khách cắt giảm chi tiêu.
Đà Nẵng đứng trước áp lực cạnh tranh so với các điểm đến quốc tế như Thái Lan, Bali (Indonesia) và trong nước là Nha Trang, Sa Pa, Phú Quốc vẫn còn gay gắt… với các chính sách mở về visa, chính sách giá, chương trình kích cầu, trợ giá sản phẩm mới và liên tục có các chương trình lễ hội sự kiện quy mô lớn thường xuyên hàng năm.
Ngoài ra, thị trường Trung Quốc (năm 2019 chiếm tỷ lệ 20%) chưa có dấu hiệu phục hồi. Còn thị trường tiềm năng Ấn Độ thì đang gặp khó khăn trong việc mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng. Thị trường Hàn Quốc, Đài Loan đang có dấu hiệu bão hòa. Du khách có xu hướng tìm kiếm những kỳ nghỉ độc đáo, gây ngạc nhiên và thích thú, hướng đến các dịch vụ du lịch, trải nghiệm thân thiện với môi trường, du lịch xanh…
Năm 2024, ngành du lịch Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu đạt 8,42 triệu lượt khách, tăng hơn 13,8% so với năm 2023, gần bằng 105% so với năm 2019.
Để thực hiện mục tiêu đó, Đà Nẵng phấn đấu đăng cai các sự kiện quốc gia, quốc tế tại Đà Nẵng như Lễ hội pháo hoa quốc tế, Giải BRG Danang Championship 2024, Giải đua thuyền buồm quốc tế, Cuộc thi Marathon quốc tế; sớm đầu tư cảnh quan 02 bên bờ Sông Hàn, đầu tư cảnh quan tuyến biển…
Đồng thời, xúc tiến khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ từ Trung Quốc, đường bay Đà Nẵng - Doha để kết nối lại thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, mở rộng đường bay đến Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản (Nagoya, Osaka), Phuket, Đông Bắc Thái Lan, Gangwon (Hàn Quốc).