Nhận diện nguy cơ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Thành phố Đà Nẵng hiện có 1 khu công nghệ cao với diện tích 1.128,4 ha và 6 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 1.066,52 ha.
Số dự án đăng ký hoạt động tại các khu công nghiệp là 469 dự án, tập trung các loại hình chủ yếu gồm: sản xuất giấy, cơ khí, thực phẩm, vật liệu xây dựng.
Thống kê cách đây ít lâu cho hay, tải lượng ô nhiễm phát sinh gồm 14,83 tấn bụi/ngày, 228,41 tấn SO2/ngày và 34,19 tấn NOx/ngày. Thông số tại 11 điểm quan trắc không khí thụ động trong khu vực các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố cho thấy, giá trị trung bình năm các thông số NO2, SO2 dao động từ 4,28 - 28,99 μg/m3, nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT; hàm lượng bụi tổng số trung bình năm tại các vị trí quan trắc dao động từ 4,63 - 223,35 μg/m3, vượt mức cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT, nhưng có xu hướng giảm theo thời gian.
Tải lượng các chất ô nhiễm trong nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp có xu hướng tăng. Trong đó, Khu công nghiệp Hòa Khánh có tải lượng COD là 131 kg COD/ngày. Nguyên nhân khiến tải lượng các chất ô nhiễm COD, SS tăng là do tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đều tăng.
Hiện nay, 100% các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thực hiện đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; 100% khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục, một số cơ sở đã thực hiện kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo số liệu thống kê của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh tăng mạnh.
Tuy nhiên, lượng chất thải công nghiệp không nguy hại có tỷ lệ tái sử dụng ngày càng lớn trong những năm gần đây, nên lượng chất thải được thu gom có xu hướng giảm dần.
Tiềm ẩn sự cố chất thải tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu
Thành phố Đà Nẵng hiện có 8 kho chứa xăng dầu với tổng sức chứa là 164.590 m3; 6 kho chứa khí LPG và trạm chiết nạp khí LPG với tổng sức chứa 3.935 tấn; 105 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 393 cửa hàng kinh doanh khí LPG được phân bố trên các trục giao thông và các khu dân cư, phục vụ nhu cầu đi lại cũng như tiêu dùng của người dân.
Trong quá trình hoạt động của các cửa hàng cung ứng xăng dầu, nguy cơ sự cố chất thải, ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu do các nguyên nhân gồm: Hơi xăng dầu phát sinh từ quá trình xuất - nhập kho, tồn trữ, vận chuyển xăng dầu; Khí thải từ máy phát điện dự phòng; Nước thải sinh hoạt và sản xuất phát sinh từ cửa hàng kinh doanh xăng dầu (thành phần chủ yếu của loại nước thải từ các cửa hàng kinh doanh xăng dầu là chất tẩy rửa, dầu mỡ, chất rắn lơ lửng).
Một khảo sát đã được thực hiện với diện tích trung bình của các cửa hàng xăng dầu khoảng 580 m2/cửa hàng, số lượng nhân viên khoảng 10 người/cửa hàng. Kết quả cho thấy, lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 1,8 m3/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bao gồm: Giấy thải, bao bì, thức ăn thừa, chai lọ,... trung bình khoảng 50 kg/cửa hàng/ngày. Còn chất thải nguy hại gồm bùn thải, cặn dầu, lon mẫu chứa dầu, can lọ chứa dầu, thùng phuy chứa dầu, giẻ lau dính dầu từ quá trình vệ sinh bồn bể, ống công nghệ, thiết bị xử lý nước thải nhiễm dầu.
Được biết, điểm nhấn chính của ngành năng lượng thành phố Đà Nẵng là phát triển các hệ thống truyền tải điện năng và phân phối xăng, dầu, gas, khí thiên nhiên.
Quá trình truyền tải phát sinh lượng khí nhà kính của lưới điện tại Đà Nẵng, trong năm 2021 ước tính lượng phát thải khí CO2 là 524 tấn. Có thể thấy, cùng với xu hướng phát triển, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, sẽ kéo theo lượng phát thải vào môi trường tăng lên, gây sức ép lên khả năng chịu tải của môi trường.