Nền tảng công dân số bao gồm: Hồ sơ công dân số cho mỗi người do người dân đăng ký và được hệ thống cấp phát tài khoản nhằm tích hợp, đồng bộ, lưu trữ trong quá trình sử dụng dịch vụ công; tài khoản công dân số do công dân quản lý và sử dụng dữ liệu này cho dịch vụ tiếp theo, không phải khai báo lại hoặc không nộp thêm thành phần hồ sơ đã có.
Mỗi người dân Đà Nẵng cũng được cung cấp 1 mã QR duy nhất theo chuẩn quốc gia với các thông tin được mã hóa để sử dụng trong các giao dịch dịch vụ công như dịch vụ với chính quyền, doanh nghiệp: điện, nước, môi trường, y tế, giáo dục, ngân hàng; kiểm soát vào/ra....
Đặc biệt, thông tin của người dân được bảo mật theo mô hình 4 lớp đã được Bộ TT&TT quy định. Việc xác thực đăng nhập hệ thống, sẽ sử dụng qua hình thức mã OTP, tương tự như các ngân hàng.
Theo đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng, sau thời gian sử dụng thí điểm, nền tảng công dân số My Portal đã có hơn 240.000 tài khoản công dân số, trong đó kế thừa 180.000 tài khoản công dân điện tử đã được người dân đăng ký trước đây để truy cập hệ thống thông tin chính quyền điện tử và cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Với việc triển khai chính thức nền tảng công dân số My Portal, Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương đầu tiên thiết lập các kho dữ liệu riêng cho từng người dân. Các loại dữ liệu số được người dân cập nhật và lưu trữ trên hệ thống gồm giấy tờ cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, giấy khai sinh…; và các giấy tờ thành phần hồ sơ khi người dân nộp thủ tục dịch vụ công và kết quả giải quyết dịch vụ công. Tất cả đều được lưu trữ trên hệ thống phục vụ việc tìm kiếm, tra cứu, sử dụng của công dân.