Kiến nghị nêu trên được ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.Đà Nẵng đưa ra trong hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 154/2013/NĐ-CP quy định về khu CNTT tập trung (Nghị định 154) và 4 năm triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, vừa được Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Vụ CNTT - Bộ TT&TT, sau 5 năm triển khai Nghị định 154, đến nay cả nước đã có 4 khu CNTT tập trung, bao gồm Công viên phần mềm (CVPM) Quang Trung, CVPM Đà Nẵng, khu CNTT tập trung Cầu Giấy-Hà Nội và Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội.
Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2407 năm 2014 quy định, cùng với 2 thành phố lớn khác là Hà Nội và TP.HCM, TP.Đà Nẵng được phép xây dựng từ 2 – 3 khu CNTT tập trung. Trên cơ sở Quy hoạch và theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kì 2015-2020, công nghiệp CNTT được xác định là một trong những nhóm ngành thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội TP.Đà Nẵng, UBND thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng các khu CNTT, khu CVPM trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, địa phương này đã và đang quy hoạch để hình thành 4 khu CNTT tập trung, gồm CVPM Đà Nẵng, khu CVPM số 2, khu CNTT Đà Nẵng và FPT Complex Đà Nẵng.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã và đang quy hoạch để hình thành 4 khu CNTT tập trung. |
Nhấn mạnh CVPM Đà Nẵng là một hạt nhân phát triển công nghiệp CNTT của thành phố, đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng cũng cho biết, đến cuối năm ngoái, CVPM Đà Nẵng đã thu hút được 75 doanh nghiệp đến đầu tư và đặt văn phòng làm việc, trong đó có 23 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng vào khu. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất phần mềm và nội dụng số, chỉ có một vài doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tự động hóa, vận tải và tài chính; thu hút trên 2.400 lao động. Từ năm 2013 đến nay, tổng diện tích mặt bằng đưa vào sử dụng tại khu CVPM Đà Nẵng đã kín, không có mặt bằng để cho các nhà đầu tư mới vào làm việc.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của khu CVPM Đà Nẵng, ông Thạch cho biết, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu CVPM Đà Nẵng năm 2017 là 1.100 tỷ đồng và năm 2018 là 1.300 tỷ đồng. Hiệu suất sử dụng đất khá cao, lên tới 450 tỷ đồng doanh thu/1 ha/năm. Thu nhập cao nhất của người lao động trong khu gấp tới 3 lần so với mức thu nhập bình quân của người lao động tại TP.Đà Nẵng; và thu nhập thấp nhất của người lao động trong khu cũng gấp tới 2 lần so với mức thu nhập bình quân của người lao động tại TP.Đà Nẵng.
Với khu FPT Complex Đà Nẵng, đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng cho hay, khu này được đầu tư xây dựng tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn và được đưa vào vận hành từ tháng 4/2016 với diện tích 33 ha thuộc khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng (tổng diện tích 181 ha), trở thành cơ sở hoạt động chính của Công ty Phần mềm FPT Đà Nẵng với gần 3.000 kỹ sư, chuyên gia đang làm việc, với doanh thu 2017 là 860 tỷ đồng và năm 2018 là 1.000 tỷ đồng, hiệu quả sử dụng đất là trên 30 tỷ đồng/1 ha/năm.
Còn khu CVPM số 2 có tổng diện tích 5,3 ha được dự kiến đầu tư xây dựng tại khu đô thị Đa Phước (Hải Châu, Đà Nẵng). Hiện UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu CVPM Đà Nẵng số 2 và phê duyệt phương án đấu giá đất đối với dự án khu CVPM này, đồng thời chỉ đạo các cơ quan có liên quan tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất dự án khu CVPM số 2 nhằm lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án. Để chuẩn bị cho nhà đầu tư có thể hưởng được các chính sách ưu đãi đầu tư khi được chọn là đơn vị đầu tư xây dựng khu CVPM số 2 theo hướng dẫn tại Nghị định 154, tháng 1/2019 UBND TP.Đà Nẵng đã có tờ trình gửi Bộ TT&TT đề nghị thẩm định thành lập khu CNTT tập trung khu CVPM số 2.
Được đầu tư xây dựng tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang với diện tích giai đoạn 1 là 131 ha, hiện dự án khu CNTT Đà Nẵng đã hoàn thành việc san lấp mặt bằng, đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật; chủ đầu tư cũng đã chuẩn bị tài liệu, thực hiện xúc tiến đầu tư. Song song với đó, chủ đầu tư cũng đang hoàn thiện Đề án thành lập khu CNTT, trình UBND Thành phố để đề nghị Bộ TT&TT xem xét, công nhận khu CNTT tập trung nhằm được hưởng các chính sách ưu đãi theo Nghị định 154.
Công viên phần mềm Đà Nẵng là 1 trong 4 khu CNTT tập trung đã được Bộ TT&TT công nhận, được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định 154 của Chính phủ (Nguồn ảnh: Internet) |
Trên cơ sở điểm qua tình hình hoạt động của các khu CNTT tập trung, khu CVPM đã và đang được TP.Đà Nẵng quy hoạch, phát triển, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch cũng thẳng thắn chỉ rõ một số bất cập trong phát triển khu CNTT tập trung tại Đà Nẵng, cụ thể là Đà Nẵng đang rất cần mặt bằng có sẵn để thu hút các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ vào làm việc nhưng hiện đang không đáp ứng được nhu cầu.
Từ nhu cầu sử dụng thực tế tại Đà Nẵng và định hướng quy hoạch, phát triển các khu CNTT tập trung tại Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT TP.Đà Nẵng đã chính thức kiến nghị Bộ TT&TT xem xét, điều chỉnh, bổ sung “Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” về số lượng khu CNTT tập trung. Cụ thể là, cho phép TP.Đà Nẵng được xây dựng khu CNTT tập trung với số lượng lớn hơn số để tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế số trên địa bàn; thay cho mục tiêu đến 2020 Đà Nẵng cùng TP.HCM, Hà Nội mỗi địa phương xây dựng 2-3 khu CNTT tập trung như trong Quy hoạch.
Cùng với việc đề nghị Bộ TT&TT xem xét, hiệu chỉnh các nội dung ưu đãi quy định tại Nghị định 154 cho phù hợp với các quy định hiện hành, vị Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ xem xét, sớm phê duyệt thủ tục công nhận khu CNTT tập trung cho khu CVPM số 2 để Đà Nẵng thuận tiện trong việc thu hút đầu tư.