Tại hội nghị “Thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng”, trong khuôn khổ Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017 vừa tổ chức tại Đà Nẵng, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đã giới thiệu đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước 9 dự án hạ tầng tiềm năng kêu gọi đầu tư, trong đó “Dự án phát triển CNTT-TT Đà Nẵng giai đoạn 2” có tổng đầu tư ước khoảng 60,03 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (Chính phù Hàn Quốc) là 54,027 triệu USD, Thành phố Đà Nẵng đóng góp 10% chi phí đầu tư tương đương 6 triệu USD.

“Dự án phát triển CNTT-TT Đà Nẵng giai đoạn 2” bao gồm 5 hợp phần: Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp CNTT, chính sách thu hút và bồi dưỡng lực lượng lao động CNTT-TT; Nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT-TT Đà Nẵng (mạng MAN, Wifi công cộng, Trung tâm dữ liệu, Trung tâm thông tin dịch vụ công…); Phát triển ứng dụng ICT và các dịch vụ công bổ sung; Phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT; Truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về các ứng dụng Chính phủ điện tử.

Dự án giai đoạn 2 sẽ kế thừa các kết quả đã đạt được của giai đoạn 1 trong việc xây dựng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử, cụ thể là cơ sở hạ tầng, các cơ sở dữ liệu và các ứng dụng CNTT.

Việc thực hiện giai đoạn 2 của dự án sẽ góp phần phát triển thành phố Đà Nẵng thành một thành phố thông minh, đáp ứng yêu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong giai đoạn mới theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 15/10/2015 của Chính phủ.

"Thành công của Dự án Phát triển CNTT-TT Đà Nẵng giai đoạn 2 sẽ có tác động mạnh mẽ và tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng. Theo đó, các sở, ban, ngành được cung cấp môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT-TT và cung cấp dịch vụ công cho các tổ chức, công dân trên môi trường mạng; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trong việc lĩnh hội và ứng dụng các giải pháp công nghệ, kiến thức, kỹ năng CNTT-TT mới vào công việc; Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành phố Đà Nẵng theo mô hình Thành phố thông minh hơn" ông Sơn cho biết.

Như vậy, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư trong việc tìm kiếm thông tin thông qua việc sử dụng cơ sở hạ tầng CNTT-TT của thành phố Đà Nẵng và dịch vụ công trực tuyến, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số có môi trường thuận lợi để cung cấp sản phẩm và dịch vụ đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT của thành phố Đà Nẵng.

"Người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ công do chính quyền thành phố cung cấp một cách nhanh chóng, minh bạch và dễ dàng; Tiết kiệm chi phí đi lại; Chất lượng cuộc sống được nâng cao. Bên cạnh đó, người dân ngày càng trở nên gần gũi hơn với chính quyền thành phố từ đó tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định của cơ quan nhà nước cũng như tiếp nhận những chính sách của thành phố nhanh chóng, kịp thời”, ông Sơn nhấn mạnh.

Giai đoạn 1 của Tiểu dự án “Phát triển CNTT-TT” tại thành phố Đà Nẵng do Ngân hàng thế giới tài trợ đã được triển khai từ tháng 9/2006 đến tháng 12/2013. Nhờ đó, từ tháng 7/2014, Đà Nẵng đã chính thức khai trương và đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng (egov.danang.gov.vn)

Hoạt động của hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng là bước đột phá thúc đẩy sự chuyển đổi từ các phương pháp quản lý thủ công sang các hệ thống điện tử ở tất cả các cơ quan nhà nước của thành phố Đà Nẵng. Thông qua hệ thống này, mọi công dân, tổ chức, doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ công, do đó cho phép họ thực hiện toàn bộ thủ tục hành chính để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong giao dịch giữa công dân, tổ chức, doanh nghiệp địa phương và các cơ quan nhà nước. Thành phố Đà Nẵng đã thực hiện chuyển giao mô hình Chính quyền điện tử này cho 19 tỉnh thành trong cả nước.