Xây dựng mô hình chính quyền điện tử
Vào những năm đầu thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đồng ý ưu tiên dành một khoản tài trợ (ODA) để đầu tư phát triển CNTT&TT. Hai địa phương (TP. HCM, TP Hà Nội) và 2 cơ quan cấp Bộ trực thuộc Chính phủ (Bộ TT&TT, Tổng cục Thống kê) là những đơn vị sớm được chọn để triển khai các Tiểu dự án. Cũng trong thời gian này, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã bắt đầu dành nhiều sự quan tâm cho các chính sách phát triển và ứng dụng CNTT, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước. Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã nhanh chóng tiếp cận Ban Điều phối, đồng thời xin Chính phủ được tham gia vào Dự án phát triển CNTT&TT tại Việt Nam.
Với quyết tâm của lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, sau các đợt khảo sát, tìm hiểu độc lập, Ngân hàng Thế giới đã chấp thuận đề xuất của Đà Nẵng. Năm 2006, Thành phố Đà Nẵng chính thức khởi động Dự án Phát triển CNTT&TT tại Việt Nam–Tiểu dự án TP Đà Nẵng. Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết: “Hệ thống hạ tầng này bảo đảm khả năng và yêu cầu kết nối phục vụ xây dựng thành phố thông minh hơn và thực hiện Đề án xây dựng mô hình thành phố điện tử do UBND Thành phố phê duyệt năm 2011. Đặc biệt, khi đưa vào vận hành, hệ thống hạ tầng này sẽ phục vụ và hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý giao thông đô thị; cấp cứu y tế, phòng cháy chữa cháy; phòng, chống thiên tai; giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường; quản lý chất lượng nước, chất lượng thực phẩm…
Cùng với đó, hệ thống kết nối không dây (WIFI) với tầm phủ sóng bao gồm các khu vực trung tâm thành phố, trụ sở các sở, ban, ngành, quận, huyện, các tụ điểm công cộng… đã tạo điều kiện cho cán bộ Nhà nước, các doanh nghiệp và người dân dễ dàng truy cập vào các dịch vụ công và các dịch vụ giá trị gia tăng khác thông qua Internet và điện thoại. Việc phủ sóng Internet không dây góp phần đẩy mạnh tiến trình hoàn thiện hạ tầng CNTT, cung cấp các dịch vụ gia tăng khác trên mạng; xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào Đà Nẵng; quảng bá du lịch, quảng bá thương hiệu, góp phần nâng cao dân trí và hoạt động giáo dục-đào tạo qua mạng. Hệ thống Internet không dây trên được huy động vào việc giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường, quản lý giao thông đô thị, quản lý trật tự xã hội, giám sát và cảnh báo thiên tai, hiểm họa do biến đổi khí hậu...
Trong mô hình Chính quyền điện tử Thành phố Đà Nẵng, mạng đô thị (Danang MAN) là một thành phần quyết định trong việc tạo lập một môi trường truyền dẫn băng thông rộng và có tính bảo mật cao đến tất cả 87 đầu mối sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, đảm bảo cung cấp đa dịch vụ (data, video, voice, …) để có thể triển khai các ứng dụng CNTT-TT, đặc biệt là các dịch vụ hành chính công cho người dân. Mạng đô thị đã tạo lập một môi trường băng thông rộng (đến 10Gbps để đảm bảo truyền tải lưu lượng các cơ quan với nhau và với Trung tâm dữ liệu) kết nối đến tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện của thành phố Đà Nẵng.
Trung tâm dữ liệu (TTDL) thành phố Đà Nẵng được xem như “bộ não” cho toàn bộ hệ thống CNTT, giữ vai trò hạ tầng kỹ thuật của chính quyền điện tử. Ngoài ra, TTDL giữ chức năng là một trung tâm dịch vụ hạ tầng dùng chung, an toàn và tin cậy để quản lý và lưu trữ các ứng dụng chính phủ điện tử của các sở, ban, ngành, quận, huyện của Đà Nẵng; cho phép các cơ quan Nhà nước cung cấp các dịch vụ cho các bên liên quan cũng như đưa các dịch vụ công điện tử đến với người dân một nhanh chóng và hiệu quả…
Mục tiêu “Thành phố đáng sống, đô thị thông minh”
Nhằm hiện thực hóa tiêu chí xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố năng động, “đáng sống” và thông minh, những năm qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp và triển khai rất nhiều chương trình, dự án phát triển Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố hiện đại của châu Á và thế giới. Trong đó, các giải pháp ứng dụng, phát triển CNTT có những đóng góp rất quan trọng. Được đánh giá là thành phố ứng dụng CNTT hàng đầu cả nước trong nhiều năm liền, Đà Nẵng đã và đang giữ vững vị trí chiến lược trong sự lựa chọn của các nhà đầu tư, là nơi hội tụ của những dự án công nghệ cao đầy tiềm năng. Chính các nhà đầu tư cũng khẳng định về cơ hội lớn khi quyết định chọn Đà Nẵng làm địa điểm để đầu tư.
Ông Hà Huy Hào, Tổng Giám đốc Juniper Networks Việt Nam nhận định: “Đà Nẵng là một nơi đến mới, hạ tầng cơ sở tốt, chất lượng dịch vụ tốt và thực sự chân thành muốn nhà đầu tư tới”. Ông Hào cũng khẳng định, Đà Nẵng là thị trường đang nổi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực CNTT. Đây cũng là lý do để Juniper Networks quyết định chọn Đà Nẵng làm địa điểm để đầu tư xây dựng phòng kiểm thử chất lượng mạng thế hệ mới (NGN) thứ 3 tại Việt Nam. Mặc dù được đầu tư sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đây lại là phòng kiểm thử có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất. Phòng kiểm thử này của Juniper Networks tại Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 10 triệu USD và tần suất cập nhật công nghệ theo hàng quý. Thực tế, chính nhờ những ứng dụng CNTT và việc các doanh nghiệp IT tập hợp về đây đang khiến thành phố trung tâm của miền Trung này dần trở thành một đô thị thông minh đúng nghĩa…
Nỗ lực phát triển CNTT-TT của TP Đà Nẵng đã được ghi nhận khi 7 năm liên tục dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT cấp tỉnh (ICT Index); trở thành tổ chức công tiêu biểu của ASEAN (2011). Đặc biệt, Đà Nẵng vinh dự nhận nhiều giải thưởng danh giá của thế giới như “Thành phố thông minh” do IBM đề cử; Giải thưởng Xuất sắc trong lĩnh vực Thu hẹp khoảng cách số do tổ chức Chính quyền điện tử thế giới trao tặng.
Nhân rộng mô hình Chính quyền điện tử
Sau khi Đà Nẵng tổ chức khánh thành Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản chính thức giao cho Bộ TT&TT xem xét đánh giá mô hình Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử của TP Đà Nẵng để xem xét triển khai nhân rộng. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng: “Đà Nẵng đã có những thành tựu và kết quả rất đáng ghi nhận về triển khai các ứng dựng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước (CQNN). Những kết quả đó đã được ghi nhận cụ thể với việc thành phố luôn dẫn đầu bảng xếp hạng đánh giá của Bộ TT&TT về mức độ ứng dụng CNTT trong các CQNN cũng như đánh giá về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT-Index) trong nhiều năm qua.
Theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về việc nhân rộng mô hình hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng, tháng 7/2015, Sở TT&TT Đà Nẵng đã thực hiện việc chuyển giao mô hình Chính quyền điện tử của Đà Nẵng cho 17 Sở TT&TT trong cả nước. Cụ thể, Đà Nẵng đã chuyển giao tài liệu Kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng, gồm tài liệu mô tả chi tiết về kiến trúc nghiệp vụ, ứng dụng, dữ liệu cũng như kỹ thuật, an toàn an ninh thông tin; dịch vụ, các tiêu chuẩn, tài liệu mô tả hạ tầng CNTT, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống mạng không dây; các ứng dụng quan trọng được tích hợp trong nền tảng này như cổng xác thực, ứng dụng Một cửa điện tử, ứng dụng Quản lý văn bản, điều hành, ứng dụng Quản lý hộ tịch, các dịch vụ công trực tuyến…
“Có được những bộ tài liệu này, các địa phương bạn không phải tự mò mẫm xây dựng và tốn tiền nghiên cứu, áp dụng từng bước nữa, mà có thể khai thác, ứng dụng kiến trúc phù hợp để áp dụng. Các địa phương bạn có yêu cầu hỗ trợ, chúng tôi cũng sẵn sàng”, ông Phạm Kim Sơn - Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết. Ngay sau khi ký kết chuyển giao, Sở TT&TT Đà Nẵng đã tổ chức đoàn công tác trực tiếp hỗ trợ 3 tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng và Cà Mau triển khai mô hình Chính quyền điện tử tại các địa phương này. Được biết, hiện Đà Nẵng đã triển khai được 498 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 với chi phí phát triển bình quân giảm 50% tính trên mỗi dịch vụ. Mức độ hài lòng với chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cũng đạt hơn 98%.
(Theo Báo Bưu điện Việt Nam số 104 - 105, ra ngày Thứ Hai 31/8/2015)