Trong khuôn khổ hội thảo quốc tế về CNTT với chủ đề “Việt Nam khai phá tiềm năng CNTT - Tạo sức bật mới cho tăng trưởng và phát triển", ông Nguyễn Quang Thanh, Phó giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hội tụ đủ các yếu tố để có thể xây dựng mô hình thành phố thông minh.
Theo chia sẻ của ông Thanh, ứng dụng CNTT đảm bảo cung cấp cho công dân các dịch vụ trên nền tảng thông tin chính quyền điện tử tại Đà Nẵng kết quả bước đầu được ghi nhận và được đánh giá là nằm trong top đứng đầu về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT. Cũng trong năm 2015, Đà Nẵng đã chuyển giao mô hình chính quyền điện tử cho 17 tỉnh thành phố trong cả nước. Các địa phương đang chuẩn bị nguồn lực để tiếp nhận mô hình chính quyền điện tử của Đà Nẵng.
Bắt đầu từ 2014, Đà Nẵng đã bắt đầu xây dựng và triển khai thí điểm bước kế tiếp trong xây dựng chính quyền điện tử đó là xây dựng thành phố thông minh. Trong mô hình thành phố thông minh hơn, tất cả các tài nguyên (nước, đất đai, cơ sở hạ tầng, thực phẩm…) đều được khai thác, quản lý, kiểm soát và sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ của CNTT nhằm phát triển Đà Nẵng theo định hướng một thành phố thân thiện với môi trường, một thành phố đáng sống và phát triển bền vững.
Theo đó, 25/3/2014, thành phố Đà Nẵng đã lập đề án xây dựng thành phố thông minh hơn đồng thời bắt đầu triển khai nhiều dự án thí điểm. Cụ thể, địa phương này đã triển khai hệ thống kiểm soát và quản lý nguồn nước thông minh trong 2014 - 2015. Hệ thống này có khả năng kiểm soát chất lượng nguồn nước và đo các chỉ số độ đục, clo, mặn và chỉ số này được công khai trên web để người dân theo dõi.
Một dự án hướng đến thành phố thông minh là nhân rộng hệ thống giao thông thông minh với hệ thống giám sát hoạt động xe buýt và xe tuyến cố định; Giám sát giao thông trên địa bàn thành phố qua hệ thống camera; quản lý đèn tín hiệu giao thông. Với hệ thống xe bus thông minh, thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt trên 130 xe bus để giám sát giờ giấc, điểm đỗ… và người dân có thể nhận thông tin về xe bus qua tin nhắn điện thoại.
Chia sẻ về tiêu chí triển khai mô hình thành phố thông minh, ông Thanh cho rằng cần kế thừa và phát huy tối đa hạ tầng CNTT-TT đã đầu tư như mạng đô thị, Trung tâm dữ liệu, Mạng kết nối không dây công cộng…Trong đó, hạ tầng là yếu tố quan trọng nhất và cũng là tiêu chí đánh giá một thành phố có thông minh hay không? Trong đó, việc đảm bảo hạ tầng về kết nối, năng lực xử lý của các Trung tâm thông tin dịch vụ công trực tuyến rất quan trọng. Việc xây dựng hệ thống này cần tuân thủ các chuẩn, kiến trúc nhất quán trong đó đảm bảo về đầu tư hạ tầng. Nếu không nâng cao năng lực về quản lý thì không đảm bảo được xử lý thông tin trong xây dựng thành phố thông minh.
Đối với Đà Nẵng, sự đóng góp của các doanh nghiệp, trong đó, sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp CNTT và công nghệ cao cũng là một nhân tố quan trọng. Vì vậy, cần có môi trường để các doanh nghiệp CNTT và Công nghệ cao phát triển.
Ngoài ra, một thành phố thông minh cũng cần có một nguồn lực đủ mạnh để chủ động về công nghệ, đảm bảo nguồn lực để quản trị và đủ sức theo đến cùng trong quá trình triển khai mô hình này. Nếu không có nguồn lực để tự chủ về công nghệ và chi phí thì các hệ thống, dù có triển khai được sẽ có nguy cơ chết yểu.
Theo đúng lộ trình, Thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai các công nghệ mới như internet của vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống thông tin địa lý (GIS)… để giải quyết những thách thức trong phát triển đô thị như: hệ thống giám sát xe ô tô qua camera; Hệ thống đăng ký và giám sát xe hoạt động kinh doanh; Theo dõi chất lượng môi trường nước sông, biển, hồ; Giám sát chất lượng xử lý nước thải; Giám sát chất lượng nước cấp và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ thực phẩm...