Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Yêu cầu của UBND thành phố Đà Nẵng với Sở Nội vụ là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư CNTT, xây dựng CQĐT, nâng cao chất lượng quản lý điều hành và phục vụ nhân dân tại quy định đánh giá, xếp hạng mức độ quận, huyện, phường, xã điện tử trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vừa được ban hành.
Đối tượng áp dụng quy định đánh giá, xếp hạng là các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố có liên quan, UBND các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố, với yêu cầu việc đánh giá, xếp hạng mức độ quận, huyện, phường, xã điện tử phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch, phản ánh đúng thực trạng, kết quả ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) của từng địa phương hàng năm.
Theo đó, quy định này nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và xây dựng CQĐT của các quận, huyện, phường, xã, góp phần thực hiện thành công mô hình CQĐT thành phố Đà Nẵng.
Đồng thời, làm cơ sở để tổ chức đánh giá, xếp hạng mức độ quận, huyện, phường, xã điện tử, kịp thời khen thưởng các địa phương điển hình, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng CQĐT, qua đó UBND thành phố chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy thế mạnh trong việc ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân cũng như đánh giá mức độ CQĐT cấp thành phố.
Nội dung Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng mức độ quận, huyện, phường, xã điện tử bao gồm 2 hạng mục chính là đánh giá điều kiện sẵn sàng CQĐT và đánh giá kết quả CQĐT. Trong đó, hạng mục đánh giá điều kiện sẵn sàng CQĐT bao gồm 3 nhóm tiêu chí: nhóm tiêu chí đánh giá cơ sở hạ tầng thông tin; nhóm tiêu chí đánh giá nhân lực CNTT; nhóm tiêu chí đánh giá môi trường chính sách về ứng dụng CNTT. Hạng mục đánh giá kết quả CQĐT bao gồm 4 nhóm tiêu chí: nhóm tiêu chí đánh giá mức độ hiện diện (tính minh bạch); nhóm tiêu chí đánh giá mức độ tương tác; nhóm tiêu chí đánh giá mức độ giao dịch; nhóm tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi.
Việc xếp hạng mức độ quận, huyện, phường, xã điện tử được thực hiện căn cứ vào điểm số đánh giá và xếp hạng theo 4 mức độ: Mức I, Mức II, Mức III và Mức IV theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 2392/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá mức độ chính quyền điện tử cấp xã và cấp huyện. Các địa phương đạt điểm dưới Mức IV thì không xếp hạng.
UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc đánh giá, xếp hạng mức độ quận, huyện, phường, xã điện tử trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trình UBND thành phố phê duyệt và tổ chức công bố; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện; đồng thời, xây dựng, hiệu chỉnh, trình bổ sung, sửa đổi các tiêu chí đánh giá phù hợp với quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và tình hình thực tế của thành phố; báo cáo kết quả đánh giá, xếp hạng với Bộ Thông tin và Truyền thông. Sở Nội vụ đưa kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ CQĐT vào nội dung xác định trách nhiệm trong thực thi công vụ của người đứng đầu và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét danh hiệu thi đua, khen thưởng hàng năm của các quận, huyện, phường, xã.
UBND các quận, huyện, phường, xã có trách nhiệm bố trí ngân sách, tổ chức triển khai xây dựng CQĐT tại địa phương; tổ chức thu thập, cung cấp số liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời theo Bộ tiêu chí và gửi kết quả về Sở Thông tin và Truyền thông đúng thời hạn quy định; phối hợp và tạo điều kiện để Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành thẩm tra, xác minh số liệu báo cáo. UBND các quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ CQĐT của địa phương; tổ chức rà soát, cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế theo các tiêu chí đánh giá.