Sau 11 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TP. Đà Nẵng, các doanh nghiệp sản xuất đã ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.

Hàng Việt hiện đang chiếm ưu thế và được ưu tiên trên các kệ hàng các siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại cũng như chợ truyền thống tại TP. Đà Nẵng. Ngày càng có nhiều cửa hàng Việt chuyên biệt ra đời và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

{keywords}
Hàng hải sản ở một siêu thị Đà Nẵng. Ảnh: VietNamNet

Triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2025, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hàng Việt sẽ chiếm 85% thị phần hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử….).

Phấn đấu hơn 80% tại các kênh phân phối truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa lớn… Trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp thành phố biết đến chương trình nhận diện hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa Việt Nam”.

Để đạt được mục tiêu trên, TP. Đà Nẵng tập trung phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định, bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam. Trong đó, rà soát, tích hợp quy hoạch hạ tầng thương mại vào quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố.

Thành phố cũng tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu vực nông thôn, miền núi theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, các ban ngành ổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu; lồng ghép với các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tiêu thụ hàng Việt.

Cùng với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt thông quan việc nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp của TP. Đà Nẵng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh 4.0, chú trọng ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số…

Đặc biệt, TP. Đà Nẵng cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để doanh nghiệp và người dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, quyền lợi trong sản xuất và tiêu dùng hàng Việt.

Bích Hạnh