Chiều 14/12, tại Kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND đã thống nhất thông qua tờ trình của UBND thành phố về chủ trương đầu tư dự án nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ nhà cao tầng và công tác hậu cần phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.
Theo tờ trình ngày 5/12 của UBND thành phố Đà Nẵng, hiện nay, trên địa bàn có hơn 200 công trình từ 10 tầng trở lên, tập trung vào các loại hình như nhà ở căn hộ, văn phòng, khách sạn, chung cư. Trong đó, có nhiều nhà cao tầng hơn 100m đã đi vào hoạt động như khách sạn Novotel (38 tầng, 155 m), Trung tâm hành chính thành phố (34 tầng, 167 m), tổ hợp khách sạn Mường Thanh (42 tầng, 175 m), khách sạn Vinpearl Condotel Riverfront Đà Nẵng (36 tầng, 162 m)…
UBND thành phố đánh giá đây là loại hình cơ sở thường xuyên tập trung đông người, có nguy cơ cháy, nổ cao, diễn biến cháy, nổ và công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Khi xảy ra cháy, nổ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng thời gian qua còn nhiều tồn tại, vướng mắc nên hiệu quả chưa cao, hậu quả nếu xảy ra rất nghiêm trọng. Một bộ phận người dân còn thiếu ý thức về PCCC, số vụ cháy, nổ do ý thức chủ quan của con người gây ra chiếm tỷ lệ cao.
Thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội ở thành phố có thay đổi lớn, tăng nhanh cả về số lượng lẫn quy mô dịch vụ, đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, xuất hiện nhiều khu công nghiệp, chế xuất, kinh tế, công nghệ cao. Việc sử dụng các nguồn năng lượng như xăng đầu, khí đốt, điện, hóa chất tăng mạnh kèm theo quá trình đô thị hóa, nhiều nhà cao tầng, siêu cao tầng được xây dựng. Thời tiết biến đổi khắc nghiệt, khó lường, nắng nóng khô hạn kéo theo tình hình cháy, nổ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Trước thực trạng đó, UNBD thành phố nêu việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực PCCC và CNCH cho toàn lực lượng cảnh sát PCCC thành phố là cần thiết để ứng phó tại chỗ, nhanh chóng, kịp thời mọi tình huống, đặc biệt với các công trình cao tầng, siêu cao tầng, môi trường nguy hiểm mà con người không thể tiếp cận.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật, tăng cường phương tiện, trang thiết bị, ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ số, tự động hóa, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cho lực lượng Công an nhân dân, bảo đảm tiềm lực vật chất, khoa học, công nghệ, trang bị hiện đại, đồng bộ.
Từ những phân tích trên, việc đầu tư nâng cao hiệu quả công tác PCCC, CNCH nhà cao tầng và công tác hậu cần PCCC trên địa bàn thành phố là phù hợp. UBND thành phố sẽ đầu tư mua sắm trang thiết bị bao gồm: 9 xe tiếp nước PCCC, 7 xe chở phương tiện PCCC, 5 bộ thiết bị cứu nạn trong không gian hạn chế, 1 robot chữa cháy. Tổng mức đầu tư dự án là 70 tỷ đồng, hình thức đầu tư mua sắm trang thiết bị trực tiếp từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Dự án đầu tư sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác PCCC, CNCH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Trước đó, Công an thành phố Đà Nẵng đã được Bộ Công an cấp robot chữa cháy điều khiển từ xa TAF35. Với những tính năng ưu việt, robot phát huy hiệu quả tối đa trong những trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm mà cán bộ chiến sĩ chữa cháy khó có thể tiếp cận như cháy xe bồn, kho xăng, dầu, nhà xưởng
Robot này do Đức chế tạo, chiều dài khoảng 3m, nặng gần 4 tấn, khả năng vượt dốc là 30 độ, khả năng nghiêng 15 độ, tốc độ di chuyển tối đa 9 km/h, tuabin phun nước của robot có thể phun xa 80m. Tốc độ phun của robot đạt 4.700 lít nước/phút, giúp nhanh chóng dập tắt đám cháy. Người vận hành có thể điều khiển từ xa trong vòng bán kính 300m, đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy trong những vụ cháy phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nổ. Cấu tạo bánh xích giúp robot di chuyển linh hoạt, phù hợp với mọi địa hình.