Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 10 vụ tràn dầu. Lượng dầu tràn gồm dầu DO chạy máy, dầu nhớt máy, dầu FO, dầu thải… gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.
Để phòng ngừa và ứng phó hiệu quả các sự cố tràn dầu, chất thải, thời gian qua, Thành phố Đà Nẵng đã quan tâm, đầu tư nhiều trang thiết bị, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, tổ chức huấn luyện và đặc biệt là diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu.
Từ năm 2015, Đà Nẵng đã tổ chức công tác diễn tập cấp thành phố, và tới nay, diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu đã trở thành hoạt động thường niên của thành phố.
Mới đây nhất, gần cuối tháng 8/2023, Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Đà Nẵng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tại cụm cảng Liên Chiểu, với sự phối hợp của 10 đơn vị, và sự tham gia của hơn 100 người cùng nhiều phương tiện, trang thiết bị.
Theo kịch bản giả định, tàu chở clinker đang làm hàng tại bến cảng thì xảy ra sự cố làm rách vỏ tàu, bục thủng két chứa nhiên liệu gây tràn dầu. Lượng dầu DO tràn ra ngoài ước tính 30 m3. Dầu tràn vào bờ biển và có nguy cơ xảy ra ô nhiễm, cháy, nổ. Buổi diễn tập đã diễn ra thành công.
Trước đó, năm 2022, Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng với các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tại Bến cảng chuyên dùng Thọ Quang thuộc Công ty Xăng dầu Khu vực V, với sự tham gia của khoảng 150 người.
Theo kịch bản giả định, một tàu có trọng tải 3.000 DWT chở nhựa đường đang điều động cập cầu bơm hàng vào Kho nhựa đường Thọ Quang, do sơ suất nên mạn trái của tàu đâm vào cầu cảng làm rách vỏ tàu, bục thủng khoang chứa nhiên liệu, tàu bị nghiêng và có nguy cơ chìm tàu. Lượng dầu tràn ra ngoài khoảng 20m3 và di chuyển theo hướng Tây Bắc ra vịnh Đà Nẵng và có nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại khu vực xảy ra sự cố.
Buổi diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu nhằm kiểm tra, đánh giá khả năng phối hợp, năng lực thu gom dầu tràn của các lực lượng cũng đã thành công. Phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) được từng bước hoàn thiện trong quy trình ứng phó.
Thông qua các buổi diễn tập, nhiều kinh nghiệm đã được rút ra để có thể chủ động tầm soát các tình huống sự cố, qua đó đảm bảo môi trường an toàn, xanh, sạch, đẹp cho địa bàn Đà Nẵng.
Đầu tháng 12 vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có buổi làm việc với Thành phố Đà Nẵng về công tác triển khai thực hiện quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải và quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất, độc xạ.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đánh giá cao Thành phố Đà Nẵng đã chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án phù hợp với các quyết định, văn bản quy phạm pháp luật... và điều kiện, tình hình thực tế địa phương; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập, nhất là lực lượng tại chỗ; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Cùng với đó, Thành phố cũng đã quan tâm và đầu tư nhiều trang thiết nâng cao năng lực ứng phó cho các lực lượng và phù hợp với yêu cầu làm nhiệm vụ. Công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là cộng đồng và người dân, các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn được thực hiện rất tốt.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ đề nghị, thời gian tới, Thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục chủ động kiểm tra, rà soát, bổ sung các phương án ứng phó với các loại hình sự cố có thể xảy ra; tổ chức luyện tập cho thuần thục, có phương án cụ thể trong điều kiện khó khăn nhất.
Đồng thời đẩy mạnh thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp ở trên địa bàn.
Tiếp thu ý kiến của Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, Thành phố sẽ đề nghị các đơn vị, địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế để làm tốt hơn công tác ứng phó sự cố tràn dầu, chất thải trong thời gian tới; Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức sẽ tiếp tục được thực hiện theo phương châm phòng ngừa là chính; Công tác diễn tập, huấn luyện được coi trọng để không lúng túng, chồng chéo, "dẫm chân" lên nhau khi sự cố xảy ra...