Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc ngày 28/9/2016 với lãnh đạo TP Đà Nẵng về kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và 9 tháng đầu năm 2016, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới và một số kiến nghị của Đà Nẵng.
Trong kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP Đà Nẵng phải triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của Thành phố thực hiện các Nghị quyết 19, 35, 60 và 36a của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng Chính phủ điện tử.
Thông báo kết luận cũng nêu rõ, Đà Nẵng phải có một chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển thành phố, với tầm nhìn Đà Nẵng phải trở thành một thành phố thông minh, một trung tâm giao thương, trung tâm dịch vụ quốc tế, một điểm đến cho các nhà đầu tư, du khách, thu hút nhân tài…; một thành phố cạnh tranh với các thành phố lớn, đẹp của khu vực và thế giới như Singapore và Hồng Kông.
Quỹ đất của Thành phố rất hạn chế, vì vậy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm sao để phát triển không dựa trên mở rộng quỹ đất mà sử dụng thông minh, hiệu quả quỹ đất là rất quan trọng. Mô hình phát triển mà Đà Nẵng lựa chọn, đòi hỏi phải là một thành phố mở cửa, hội nhập, thu hút và hội tụ nhân tài trong nước và quốc tế; cần quan tâm cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; hình thành một hệ sinh thái cho dịch vụ giáo dục, nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Đà Nẵng tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp; tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI công nghệ cao, CNTT, thân thiện với môi trường; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho doanh nghiệp. Phấn đấu đạt 40.000 - 50.000 doanh nghiệp và năm 2020.
Đông thời, TP Đà Nẵng được yêu cầu trong thời gian tới phải tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, bộ máy chính quyền các cấp từ Thành phố đến xã, phường phải nhiệt huyết, trách nhiệm, năng động; xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Cũng trong kết luận buổi làm việc ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời 23 nội dung kiến nghị của TP. Đà Nẵng.
Trong đó, về cơ chế ưu đãi đối với khu Công nghệ cao (CNC) TP Đà Nẵng, Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế ưu đãi với khu CNC TP Đà Nẵng, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2016.
Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương hỗ trợ Thành phố kết nối với các tập đoàn đa quốc gia đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng, nhất là đầu tư vào khu CNC, đồng thời giao Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Thành phố xúc tiến đầu tư và giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư lớn có tiềm lực mạnh, đầu tư vào Đà Nẵng.
Đối với kiến nghị của Thành phố về dự án đầu tư xây dựng Trung tâm ươm tạo Công nghệ cao Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ KH&CN xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư từ Chương trình quốc gia phát triển CNC, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ KH&CN được giao xem xét hỗ trợ Thành phố thực hiện Chương trình KHCN quốc gia cho các doanh nghiệp KH&CN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Còn về kiến nghị mở rộng, nâng cấp Trung tâm công nghệ sinh học Đà Nẵng thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ Nông nghiệp và Y dược cho các tỉnh vùng Nam Trung Bộ, theo thông báo kết luận, kiến nghị này cũng đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ KH&CN khẩn trương thẩm định, phê duyệt Đề án; trên cơ sở đó Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ KH&CN, Tài chính, Y tế đề xuất hỗ trợ cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đà Nẵng được áp dụng một số cơ chế đặc thù từ ngày 1/1/2017
Ngày 1/11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Đà Nẵng. Được xây dựng trên tinh thần đảm bảo phù hợp với đặc thù của Đà Nẵng, tạo bước đột phá, tăng thẩm quyền và gắn với trách nhiệm của Thành phố, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
Nghị định quy định, cơ chế đặc thù này nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng; tạo điều kiện để Đà Nẵng phát huy được những lợi thế trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của miền Trung vào năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý phải gắn với tăng cường trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và UBND TP Đà Nẵng; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của TP Đà Nẵng trong việc thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.