Ngút ngàn nơi ven trời Tây Bắc, huyện Sìn Hồ mênh mang, dàn trải với nhiều tiểu vùng khí hậu: mát lạnh nơi cao nguyên đá của các xã vùng cao, nồng ấm và trù phú ở vùng thấp thấp và trải dải dọc sông Nậm Na giàu tiềm năng phát triển thủy điện. Đây là điểm đến của những người ưa khám phá. Đường tỉnh lộ 129 đang có những cú nước rút ngoạn mục về tiến độ, rút ngắn thời gian đưa lữ khách tới trung tâm huyện lỵ.

{keywords}
Vẻ đẹp nguyên sơ của cao nguyên Sìn Hồ chụp từ trên cao. (Ảnh: Bùi Chiến)

Săn mây trắng, xúng xính chợ phiên

Chênh vênh miền sơn cước, các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ có nền nhiệt thấp, không khí trong lành, không ít tạp chí về du lịch đánh giá như Sa Pa, Đà Lạt thứ hai của đất Việt.

Đến với vùng cao Sìn Hồ, du khách không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh đặc trưng của vùng cao Tây Bắc, mà còn được hưởng thụ không khí trong lành đặc trưng của khí hậu vùng cao. Nơi đây còn nhiều danh thắng đang chờ bước chân khám phá của du khách. Bà con trên địa bàn cũng lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, nếu được khai thác hiệu quả sẽ là tạo thế mạnh để Sìn Hồ phát triển du lịch cộng đồng.

Chợ phiên Sìn Hồ được xem như điểm hẹn văn hóa của bà con vùng cao. Xuống chợ, bà con chưng diện những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất của mình. Vì thế, đến chợ phiên, du khách không chỉ thỏa sức tìm hiểu những triết lý nhân sinh qua từng bộ trang phục của người Dao, người Mông, mà còn được thưởng thức những món ăn truyền thống nồng nàn gia vị người vùng cao, xứ lạnh.

Vui chợ phiên, du khách còn thỏa sức lựa chọn dược liệu: sa nhân, thảo quả, đương quy, thất diệp lục nhất chi hoa và nhiều dược liệu quý khác. Vì thế, chợ phiên Sìn Hồ được ví như là chợ dược liệu lớn nhất của Lai Châu. Sau khi thỏa sức mua sắm mà không cần mặc cả và chụp ảnh lưu niệm cùng bà con dân bản trong trang phục sặc sỡ đặc trưng của dân tộc mình, du khách hãy đến những danh thắng chỉ có ở Sìn Hồ nguyên sơ.

Những người thích “săn mây” ở ven trời Tây Bắc thì tìm đến Tả Phìn, Phăng Sô Lin và Làng Mô. Khi mặt trời vừa ló rạng, biển mây bảng lảng xuất hiện. Mây trắng bồng bềnh hòa mình với những thửa ruộng bậc thang - con đường lên no ấm của người vùng cao. Không ít nhiếp ảnh gia gần đây đã chọn thời điểm tháng 3, tháng 4 để du xuân và lên Sìn Hồ sáng tác.

Nắng lọt, mây luồn cùng khí hậu mát lạnh đặc trưng của cao nguyên và tình người trên cao nguyên đá tự bao giờ đã thành sản phẩm du lịch đặc hữu của Sìn Hồ.

{keywords}
Chợ phiên Sìn Hồ (Ảnh: Thể Thao và Văn Hóa)

Sau khi mê mải với mây núi, du khách đừng quên ghé thăm Núi đá Ô, động ông Tiên của Tả Phìn. Người Dao nơi đây quý khách lắm, sẵn lòng mời khách thăm quan thưởng thức rượu ngô, thịt sấy và vui cuộc vui thắng cố - đặc sản vùng cao Tây Bắc.

Cùng với đó, những nếp nhà cổ, giữ nguyên kiến trúc của người Dao của San Ta Ngai (xã Phăng Sô Lin) từng hút hồn không ít phượt thủ ghé thăm. Những nếp nhà truyền thống qua bao đời nên thơ bên sườn núi là tiềm năng quý để Sìn Hồ phát triển du lịch cộng đồng.

Ra Giêng, ngày rộng tháng dài, đến với cao nguyên lạnh - Sìn Hồ khách thăm quan sẽ được chung vui với hội “Gầu tào” của bà đồng bào dân tộc Mông. Đừng mải vui với tiếng khén dặt dìu bản xa, hay điệu múa của thiếu nữ Mông xúng xính váy áo mà quên ghé thăm vực thác Sà Dề Phìn, điểm du lịch gần đây thu hút nhiều cư dân mạng tới “check in”, chụp ảnh lưu niệm. Giữa mênh mang cao nguyên đá, bảng lảng mây trời, vực thác hun hút sâu như một kiệt tác của tạo hóa, kiến tạo địa chất mà khó lý giải.

Theo ông Sùng A Dờ - Bí thư Đảng ủy xã Sà Dề Phìn, nhờ được quảng bá rộng rãi, thác Sà Dề Phìn có sức hút mạnh mẽ với những ai yêu thích sự kỳ thú của thiên nhiên. Nhiều du khách tới thưởng ngoạn vực thác Sà Dề Phìn vào mùa mưa để được tận mắt chứng kiến ở lưng trời, chênh vênh núi cao có dòng thác trắng xóa ào ạt dội xuống vực rồi tan vào hư không.

{keywords}
Sìn Hồ là vùng du lịch tiềm năng của Lai Châu, được ví như Sa Pa thứ hai của Việt Nam. (Ảnh: Lê Hồng Hà)

Để "cây quế giữa rừng" tỏa hương

Khi đã thỏa sức hưởng thụ không khí trong lành của cao nguyên, tắm thuốc của đồng bào dân tộc Dao và thưởng thức những món ngon nồng nàn hương vị quế, hồi, thảo quả của núi rừng Tây Bắc, du khách đừng quên khám phá các xã vùng thấp và dọc sông Nậm Na.

Khám phá các xã vùng thấp, khách thăm quan sẽ được thưởng ngoạn không gian như đối lập với vùng cao Sìn Hồ. Thay vì những vườn dược liệu thơm nồng và những vườn lê, táo, mận và hoa quả ôn đới sum xuê, vùng thấp Sìn Hồ như mở ra một không gian mới lạ với sự trù phú của các bản tái định cự và lòng hồ thủy điện trải rộng mênh mang.

Trải qua những cuộc di rời, bố trí sắp xếp dân cư hợp lý hơn sau khi thực hiện dự án tái định cư thủy điện Sơn La, song những bản làng người Lự, người Thái và một số đồng bào dân tộc khác của vùng thấp Sìn Hồ vẫn giữ nguyên những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Thăm thú lòng hồ được ví như Hạ Long của Tây Bắc, khám phá triết lý nhân sinh trong kiến trúc nhà ở, trang phục dân tộc cùng sự tinh tế trong những món ăn truyền thống thơm mắc khén, nổng gừng, xả và cay rát lưỡi của ớt tự bao giờ đã trở thành đặc sản của Tây Bắc và có sức hút mạnh mẽ với du khách miền xuôi.

{keywords}
Khách lữ hành khám phá vẻ đẹp của cao nguyên Sìn Hồ. (Ảnh: Bùi Chiến)

 

{keywords}
Thung lũng Sìn Hồ. (Ảnh: Lê Hồng Hà)

Những mong giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống để tạo thành các sản phẩm văn hóa đặc trưng vùng miền, thời gian qua, nơi đây đã phục dựng nhiều lễ hội truyền thống, lưu truyền văn hóa dân gian. Bà con dân tộc Thái, Dao, Lự nơi đây còn lưu giữ trong cộng đồng bao vẻ đẹp nguyên sơ như những như bí ẩn chờ du khách.

Dẫu giàu tiềm năng, nhưng du lịch của Sìn Hồ vẫn như “cây quế giữa rừng”. Bình quân mỗi năm, huyện mới thu hút 5.000 lượt du khách, trong đó, khách quốc tế chiếm 20%. Doanh thu hàng năm của du lịch Sìn Hồ ước đạt trên 5 tỷ đồng, đây vẫn là con số khiêm tốn so với tiềm năng phát triển du lịch của huyện.

Bùi Chiến