Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021–2025”, ngày 12/1, sau 3 năm triển khai, đến nay cả nước đã trồng gần 770 triệu cây, đạt 121,4% so với kế hoạch từ 2021-2023. Trong đó có 344,5 triệu cây xanh phân tán và trồng mới 435,4 triệu cây xanh tập trung.
Một số địa phương đạt tỷ lệ trồng cây xanh cao như: Lào Cai trồng 61,64 triệu cây, Phú Thọ trồng 52 triệu cây, Long An 45,32 triệu cây, Gia Lai 37,28 triệu cây, Nghệ An 34,38 triệu cây.
Các địa phương trồng được số lượng từ 15-20 triệu cây xanh gồm: Lai Châu, Lâm Đồng, Kon Tum, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La và Cà Mau, Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Phú Yên.
Ngoài bộ ngành, báo cáo cũng nêu rõ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, xây dựng các chương trình, quỹ để kêu gọi, tiếp nhận và triển khai trồng rừng, trồng cây.
Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Đề án trong 3 năm (2021-2023) là gần 9.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 23,8%; vốn ODA, xã hội hoá và các nguồn vốn khác chiếm 76,2%.
Trong giai đoạn 2024–2025, các bộ ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch trồng tổng số 492,3 triệu cây. Cụ thể, sẽ trồng 275,6 triệu cây xanh phân tán và trồng 216,7 triệu cây xanh tập trung (tương đương 98.210 ha rừng trồng).
Theo Cục Lâm nghiệp, quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp do diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp đã cơ bản được trồng, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để phát triển kinh tế của địa phương...
Vốn đầu tư phân bổ cho công tác phát triển rừng hàng năm còn chậm so với yêu cầu của sản xuất; mức hỗ trợ trồng cây phân tán và trồng rừng còn thấp so với thực tiễn sản xuất.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, duy trì và phát triển quỹ đất cây xanh đô thị chưa được quan tâm đúng mức, diện tích đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị hiện nay mới chiếm tỷ lệ khoảng 1,2%, thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị đặt ra.