Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng. Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. Xin trân trọng giới thiệu bài viết Đà giang, dòng sông 'vàng' thao thức của tác giả Hồ Bất Khuất |
Yêu khi chưa đặt chân tới
Hè 1975, tôi thi đại học khối C, đề thi môn địa lý yêu cầu trình bày phân bố các nhà máy điện ở miền Bắc và tương lai của ngành điện Việt Nam. Thú thật, tôi học môn địa không hào hứng và nghiêm cẩn lắm nên khá bí trước những yêu cầu này.
May thay, tôi rất thích câu thơ “Một Thác Bà reo gọi điện sông Đà”. Kết hợp với những gì lĩnh hội được qua bài kí “Người lái đò trên sông Đà” của Nguyễn Tuân, tôi đã làm bài trôi chảy. Bài thi nhấn mạnh tương lai rạng rỡ của ngành điện lực Việt Nam nhờ vào phát triển thủy điện, sông Đà có đóng góp đáng kể vào sự phát triển này.
Vì là bài thi môn địa lý nhưng tôi dùng kiến thức văn học để làm bài nên chỉ được 7 điểm. Cộng với điểm môn văn, điểm môn sử cũng khá cao nên tôi đủ điểm đi học nước ngoài. Tôi mong muốn được một lần tới sông Đà để hiểu biết thêm, cũng như để “tri ân” vì đã “giúp” tôi làm bài thi.
Ngày đang học đại học ở nước Nga, tôi rất vui khi biết Liên Xô giúp ta xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Tôi chỉ có một thắc mắc là tại sao người Nga lại gọi sông Đà là “sông Đen”? Các thầy giáo, cô giáo của tôi đều không trả lời thỏa đáng được câu hỏi này.
Dòng sông “vàng”
Năm 1982, tôi tốt nghiệp đại học, trở về nước. Sau khi về quê, địa điểm thứ hai tôi đến là công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tôi có nhiều bạn bè làm việc tại đây. Đúng là không khí làm việc trên công trường rất sôi nổi, khẩn trương của hàng vạn người.
Ở cạnh ký túc xá của công nhân có cái chợ được gọi là chợ Vồ. Thịt, cá, rau… mang ra đây đều được người mua tranh nhau, ai nhanh tay mới mua được nên gọi là chợ “Vồ”. Ấy thế nhưng những người bán cũng không vì thế mà tăng giá.
Đây là “văn hóa thương mại” của những năm đó, tiếc là chúng ta không duy trì được vẻ đẹp này đến ngày nay. Tôi rời công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình và thầm hứa sẽ tìm cách trở lại nơi này.
Khi tôi đi làm ở Tạp chí Cộng sản, hễ có khách là có chương trình đi thăm công trường Thủy điện Hòa Bình. Tôi đưa khách lên đó nhiều đến nỗi quen biết cả ban lãnh đạo công trường, lẫn ban lãnh đạo chuyên gia của Liên Xô.
Chính việc quen biết chuyên gia, tôi mới giải tỏa được thắc mắc tại sao người Nga gọi sông Đà là “sông Đen”. Ông Pavel Timofeevich Bogachenko - Tổng chuyên viên Liên Xô cho rằng, có hai phương án để người Nga gọi sông Đà là “sông Đen”: 1. Việt Nam có con sông Hồng nổi tiếng, khi dịch sang tiếng Nga được gọi là “sông Đỏ”, người Nga gọi sông Đà là “sông Đen” để đối nghĩa với “sông Đỏ” cho dễ nhớ; 2. Ở châu Âu có biển nằm giữa Liên Xô, Bungary, Thổ Nhĩ Kỳ được gọi là biển Đen mặc dù nước của nó xanh ngăn ngắt.
Nước của biển này rất sâu nên những hôm nhiều mây hay khi hoàng hôn đến, mọi người có cảm giác biển màu đen. Nước sông Đà cũng rất sâu nên người Nga cảm thấy sông có màu đen khi chiều về nên gọi là “sông Đen”.
Sau khi lý giải như vậy, ông Bogachenko hào hứng nói: “Dù dòng sông này được gọi là sông Đà hay sông Đen nhưng đích thực nó là dòng sông “vàng” của Việt Nam.
Con sông này có tiềm lực thủy điện rất lớn. Sau khi nhà máy thủy điện Hòa Bình hoàn thành, Việt Nam nên xây thêm nhiều nhà máy thủy điện trên sông Đà, điều này rất có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.
Năm 1994, nhà máy thủy điện Hòa Bình khánh thành, cả 8 tổ máy với công suất 1920 MW được đưa vào hoạt động, tạo ra cột mốc quan trọng trong sự lớn mạnh của ngành điện lực Việt Nam.
Cái lợi thu được không chỉ là sản lượng điện khổng lồ, mà còn có một đội ngũ công nhân lành nghề đông đúc. Họ tỏa đi khắp nơi để xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp trên khắp đất nước Việt Nam. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy điện của Việt Nam lớn mạnh, đủ trình độ tự mình xây dựng những nhà máy thủy điện lớn.
Vào tháng 12/2005, chúng ta khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Nhờ có kinh nghiệm từ việc xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, việc thi công được tổ chức rất khoa học nên nhà máy được được hoàn thành vào tháng 12/2012, chỉ sau 7 năm thi công, về đích trước 3 năm so với dự kiến.
Với 6 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 400 MW, tổng công suất là 2.400 MW, nhà máy thủy điện Sơn La có công suất lớn nhất Đông Nam Á lúc này.
Và nhà máy thủy điện Lai Châu được khởi công xây dựng trước ngày Nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành. Ngày 5/1/2011, khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu với công suất 1.200 MW.
Và chỉ sau hơn 5 năm - vào tháng 12/2016, nhà máy thủy điện Lai Châu đã hoàn thành, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Rồi nhà máy thủy điện Huội Quảng với công suất 520 MW, nhà máy thủy điện Bản Chát cũng lần lượt được hoàn thành.
Chưa dừng lại ở đó, những người thợ thủy điện Việt Nam tận dụng những phụ lưu của sông Đà để xây dựng thêm khoảng 20 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với công suất mỗi nhà máy trên dưới 100 MW.
Đặc biệt, việc mở rộng nhà máy thủy điện Hòa Bình đã được khởi công vào năm 2021 và sẽ hoàn thành vào tháng 8/2025. Lúc đó nhà máy thủy điện Hòa Bình có thêm 2 tổ máy với công suất 240 MW mỗi chiếc, nâng tổng công suất của toàn nhà máy lên 2400 MW, ngang với nhà máy thủy điện Sơn La. Chỉ tính phần làm thêm này thôi, sông Đà cung cấp thêm có ngành điện lực số điện gấp 4 lần nhà máy thủy điện Thác Bà.
Ba nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam đều nằm trên sông Đà là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Cùng với hàng chục nhà máy khác ở các phụ lưu, tổng công suất sông Đà cống hiến cho đất nước vào khoảng trên 7.000 MW, chiếm tới hơn 1/3 công suất thủy điện của cả nước. Đà giang đúng là dòng sông “vàng” thực thụ.
Sông Đà mới
Tái định cư cho hàng trăm ngàn người là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp. (Riêng thủy điện Sơn La, số dân phải di chuyển, bố trí chỗ ở mới lớn nhất nước là 20.340 hộ và 93.200 người của 248 bản, tổ dân phố, 31 xã, phường, 8 huyện, thị xã của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu).
Số người tái định cư lại thuộc nhiều thành phần, nhiều dân tộc khác nhau nên có phong tục, tập quán, lối sống khác nhau.
Không phải cứ có nhà ở với tiện nghi là dân thích, họ vẫn nhớ làng xưa, xóm cũ với mồ mả cha ông. Chính vì thế mà ông Điềm Văn Dứa (thôn Tà Huổi Tráng, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) thốt lên: “Nếu như mà đất nơi ở cũ theo được người chúng tôi lên đây cùng tái định cư thì tốt biết mấy!”.
Dần dà, đồng bào đã vượt qua khó khăn, chấp nhận nơi ở mới, bắt đầu cuộc sống mới…
Sau khi gồng mình “cõng” trên lưng những nhà máy thủy điện khổng lồ, Sông Đà đã không còn hung dữ như ngày xưa. Sông Đà hiện nay đã trở thành những chiếc hồ to lớn với mênh mông nước nối tiếp nhau.
Tính từ chân đập nhà máy thủy điện Hòa Bình đến chân đập nhà máy thủy điện Sơn La dài 220 km. Từ chân đập nhà máy thủy điện Sơn La đến chân đập nhà máy thủy điện Lai Châu dài 175 km. Từ chân đập nhà máy thủy điện Lai Châu lên thượng nguồn còn hàng trăm km nữa nên “sông Đà mới” có chiều dài gần 500 km, có nơi rộng tới 6 - 8 km (tùy theo nước vơi đầy).
Trên sông Đà hiện nay có những cây cầu cao vút và đẹp đến ngỡ ngàng. Lòng hồ sông Đà còn có những chiếc phà hiện đại, đi từ đảo này tới đảo khác. Khi nước hồ xuống thấp, có cảm giác lòng hồ sông Đà như vịnh Hạ Long.
Nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản bắt đầu phát triển. Đã có hàng chục hợp tác xã thủy sản được hình thành với hàng ngàn lồng cá, hằng năm thu về hàng trăm tỷ đồng vì cá sông Đà ngon nổi tiếng, là đặc sản mà những người sành ăn thường săn lùng…
Du lịch cũng bắt đầu khởi sắc với việc những năm gần đây có trên 100.000 lượt khách, doanh thu khoảng vài ba trăm tỷ đồng…
Sông Đà, núi Tản vẫn nhuốm màu huyền thoại của truyền thuyết nhưng nay đã khoác lên cho mình một hình hài mới, cuộc sống mới.
Hồ Bất Khuất
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông. Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải. Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: http://www.tothethao.com/bong-da_bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html |