“Một lính cứu hỏa, một giáo viên đóng thuế 22% - Amazon và 90 doanh nghiệp lớn khác không nộp xu nào thuế liên bang? Tôi sẽ chấm dứt điều đó”. Đây là khẳng định của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một bài phát biểu cuối tháng 3.
Ông Biden không nói suông. Nhờ các đề xuất gần đây của tân Tổng thống Mỹ, hôm 5/6, tại Anh, các Bộ trưởng Tài chính của 7 trong số các nền kinh tế mạnh nhất thế giới (G7) đã đạt được thỏa thuận mang tính lịch sử về thuế toàn cầu. Theo đó, G7 đồng thuận ủng hộ áp dụng thuế suất doanh nghiệp tối thiểu 15%. Thay đổi này có thể buộc các công ty phải đóng thuế tại các quốc gia phát sinh doanh thu, thay vì chuyển sang các “thiên đường thuế” để hưởng ưu đãi.
Nhức nhối “thiên đường thuế”
Từ lâu, các ông lớn công nghệ hứng chịu chỉ trích vì nộp thuế quá ít bất chấp quy mô của mình. Amazon và các hãng khác né được khoản thuế lớn nhờ chuyển doanh thu và lợi nhuận sang các “thiên đường thuế”, những nơi không áp thuế hay nếu có cũng áp thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn đáng kể.
Theo báo cáo của Chiến dịch minh bạch thuế Fair Tax Foundation, sáu hãng công nghệ lớn nhất Silicon Valley (Silicon Six) - Amazon, Facebook, Alphabet, Netflix, Apple và Microsoft – bị cáo buộc nộp ít hơn 96 tỷ USD so với số liệu thuế danh nghĩa được trích dẫn trong các báo cáo tài chính.
Trong 10 năm, từ 2011 đến 2020, Silicon Six nộp cổng cộng 219 tỷ USD thuế thu nhập trên toàn cầu, tương đương 3,6% trên tổng doanh thu 6 nghìn tỷ USD. Thuế doanh nghiệp tính theo lợi nhuận nhưng các nhà nghiên cứu cho biết sáu công ty này cố tình chuyển thu nhập sang “thiên đường thuế”.
Theo CNN, Bermuda, quần đảo Cayman, quần đảo British Virgin là ba trong số các “thiên đường thuế” lớn nhất của các công ty Mỹ. Những hòn đảo này nổi tiếng vì có chi nhánh của các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Các công ty có thể chuyển lợi nhuận của mình thông qua chi nhánh trên đảo để tránh thuế suất doanh nghiệp cao của Mỹ. Năm 2010, các công ty Mỹ trên ba hòn đảo ghi nhận lợi nhuận 155 tỷ USD, trong khi tổng sản phẩm quốc nội của cả ba hòn đảo chỉ khoảng 10 tỷ USD.
Thủ đoạn trốn thuế của Amazon được vạch trần trong nghiên cứu mới mang tên “The Amazon Method”. Các nhà nghiên cứu phân tích kế hoạch đăng ký quỹ tín dụng thuế của công ty này và xác định Luxembourg là trung tâm điều phối hoạt động trốn thuế toàn cầu. Năm 2020, Amazon ghi nhận gần 54 tỷ USD doanh thu tại châu Âu nhưng không trả bất kỳ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Bất chấp doanh thu cao kỷ lục, chi nhánh Amazon Luxembourg lại báo lỗ 1,4 tỷ USD và do đó không phải nộp thuế.
Tính đến năm 2020, khoản lỗ tích lũy của Amazon trên toàn cầu là 13,4 tỷ USD, phần lớn xuất phát từ các chi nhánh không đặt tại châu Âu. Quy định thuế của Mỹ cho phép các công ty thua lỗ khấu trừ thuế trên các khoản lợi nhuận tương lai. Như vậy, đồng nghĩa Amazon có thể không phải thực hiện nghĩa vụ thuế trong nhiều năm tới.
Theo chính trị gia Margaret Hodge, Amazon chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế như Luxembourg để tránh phải nộp thuế cao. Dù phụ thuộc vào dịch vụ công, hạ tầng, lực lượng lao động được đào tạo tại châu Âu như mọi công ty khác, Amazon lại không chịu nộp thuế.
Cơ hội thay đổi cuộc chơi
Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen nhận xét thế giới đang trong “cuộc đua về đáy tỷ suất thuế doanh nghiệp kéo dài 30 năm”. Thỏa thuận đạt được giữa các Bộ trưởng Tài chính G7 là bước ngoặt quan trọng, có khả năng thay đổi cuộc chơi và bảo đảm các công ty đóng thuế nghiêm chỉnh.
Theo Reuters, các quy định thuế toàn cầu hiện nay có từ những năm 1920, chỉ đánh thuế tại nơi các công ty có hiện diện vật lý. Nó không còn phù hợp với bối cảnh xuất hiện nhiều “ông lớn” công nghệ, bán dịch vụ từ xa và đăng ký lợi nhuận tại các nước đánh thuế thấp.
Thỏa thuận bao gồm hai phần quan trọng. Thứ nhất, các nước G7 đồng ý rằng phải đưa ra quy định bảo đảm doanh nghiệp nộp thuế tại các nước mà họ kinh doanh. Thứ hai, thống nhất yêu cầu áp thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% trên khắp thế giới. Với sự hậu thuẫn của G7, nó có thể đặt nền móng cho một thỏa thuận toàn cầu.
Mục tiêu của phần thứ nhất là cho phép các nước đánh thuế một phần lợi nhuận của những công ty “không hiện diện vật lý nhưng có doanh số đáng kể”. Theo thông báo chung của cuộc họp G7, quy định nhằm vào “các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và lợi nhuận nhất”, trao cho các nước “quyền đánh thuế trên ít nhất 20% lợi nhuận” với các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên 10%.
Đối với phần thứ hai, nếu một công ty áp dụng thuế suất thấp hơn tại một quốc gia cụ thể, chính phủ nước này phải tăng thuế suất lên mức tối thiểu (15%), từ đó loại bỏ lợi ích của hành vi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Quy định này không can thiệp đến việc các nước áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp trên lãnh thổ của mình.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đề xuất đánh thuế 21% với thu nhập nước ngoài của doanh nghiệp, tăng từ mức 10,5-13,125% dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Đề xuất của ông Biden phải được Quốc hội thông qua.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính đề xuất của G7 có thể tạo ra từ 50 tới 70 tỷ USD doanh thu tuế toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, con số thực sự còn phụ thuộc vào các chi tiết của thỏa thuận cuối cùng. Một số tổ chức phi lợi nhuận cho rằng thuế suất 15% là quá thấp, không đủ để chấm dứt “cuộc đua về đáy”. Song, Gabriel Zucman, nhà kinh tế học tại Đại học California, Berkely – người nổi tiếng với các nghiên cứu về “thiên đường thuế”, lại gọi đây là thỏa thuận “lịch sử, đầy hứa hẹn”.
Nếu có đủ các nước lớn đồng ý áp dụng thuế suất tối thiểu, các công ty không còn động lực chuyển lợi nhuận sang các nước thuế suất thấp. “Thiên đường thuế” không có quyền phản đối, mô hình kinh doanh không đóng thuế sẽ sụp đổ. Theo bà Yellen, thuế suất tối thiểu sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng, thông qua tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp, khuyến khích các nước cạnh tranh trên cơ sở tích cực, chẳng hạn giáo dục, đào tạo lực lượng lao động và đầu tư vào nghiên cứu, phát triển hạ tầng.
Cuộc họp G20 diễn ra tháng sau tại Venice (Italy) sẽ xem liệu thỏa thuận vừa đạt được của G7 có nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nước đang phát triển lớn nhất thế giới hay không.
Big Tech đã thực hiện nghĩa vụ thuế như thế nào tại Việt Nam?
Tại Việt Nam, Facebook đang có 60 triệu người dùng và là nền nảng mạng xã hội lớn nhất trong nước và toàn cầu. Trả lời Vietnamnet về vấn đề việc Facebook đang thu về cả gần tỷ USD mỗi năm mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam, trong đó có vấn đề không đóng thuế về khoản thu này, ông Rafael Frankel - Giám đốc Quản lý Chính sách công, Các thị trường mới nổi của Facebook - cho hay, "Facebook tuân thủ các quy định về thuế ở tất cả các quốc gia mà Facebook có mặt trong đó có Việt Nam". Tuy nhiên, trang hỗ trợ của Facebook đăng tải thông tin về chính sách thuế với các thị trường mà mạng xã hội này có mặt lại không có thông tin về chính sách thuế thực hiện ở Việt Nam.
Trao đổi với Vietnamnet trước đó, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) - cho rằng, những doanh nghiệp quảng cáo trên Facebook phải có trách nhiệm khấu trừ thuế nhà thầu.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phụng, nếu như Facebook khai đủ, ngành thuế sẽ thu đủ thuế giá trị gia tăng nếu quảng cáo là 10%, còn thuế thu nhập doanh nghiệp 20%/thực lãi. Giả định, Facebook thu 100 triệu USD thì phải nộp 10% thuế giá trị gia tăng. Nếu họ lãi 10% thì chúng ta có thêm khoảng 2 triệu USD.
Cho đến thời điểm này, chưa có một con số chính xác rằng Google và Facebook đã có doanh thu bao nhiêu từ thị trường Việt Nam. Con số được Bộ TT&TT cho hay năm 2018 Facebook có doanh thu khoảng 1 tỷ USD nhưng lại "quên" chuyện đóng thuế tại Việt Nam. Các thống kê của các tổ chức quảng cáo tại Việt Nam chỉ ra Google và Facebook chiếm khoảng trên 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Có một bất cập rằng các nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook đang bỏ túi hàng tỉ USD nhưng không đóng thuế, trong khi đó các công ty của Việt Nam vẫn phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Du Lam
Thỏa thuận thuế lịch sử của G7 ảnh hưởng thế nào đến Big Tech?
Các nước G7 nhất trí ủng hộ đánh thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15% nhằm ngăn chặn những công ty đa quốc gia như Amazon, Facebook, Apple trốn thuế.