Truyền thông chính sách có ảnh hưởng lớn đến người lao động
Theo Ban Tuyên giáo - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, truyền thông dự thảo chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến người lao động bởi quá trình này tác động đến nhận thức, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của người lao động. Khi người lao động được tham gia vào quá trình truyền thông dự thảo chính sách một cách tích cực, hiểu được những tác động của dự thảo chính sách đến nghĩa vụ và quyền lợi của mình, được có ý kiến phản hồi với những nội dung dự thảo chính sách chưa phù hợp với đại đa số người lao động, thì khi chính sách được ban hành và có hiệu lực thi hành, người lao động sẽ có niềm tin, ý thức và hành vi nghiêm chỉnh chấp hành chính sách đó.
Một ví dụ điển hình về truyền thông dự thảo chính sách chưa đạt hiệu quả sâu, rộng, chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, ý chí của đông đảo người lao động là Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: Luật vừa được thông qua, chưa có hiệu lực thi hành, nhưng đã vấp phải sự phản đối của đại đa số người lao động. Vì vậy, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.
Truyền thông dự thảo chính sách giúp phát huy quyền, vai trò và trí tuệ của người lao động trong nhận diện các vấn đề chính sách và cân nhắc các giải pháp chính sách sao cho phù hợp hơn các nhu cầu, nguyện vọng; xử lý tốt hơn các xu hướng phản ứng của người lao động trong trường hợp có quyền lợi vật chất bị ảnh hưởng; tạo điều kiện cho người lao động có diễn đàn thảo luận công khai, dân chủ, có định hướng, chủ đích, nói lên tiếng nói của mình, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình; là cơ hội tìm hiểu, học tập, nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật.
Một số hình thức truyền thông dự thảo chính sách thường được các cấp công đoàn sử dụng gồm: Biên soạn tài liệu; đăng tải tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách; phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ công đoàn làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật để thực hiện truyền thông trực tiếp về dự thảo chính sách; truyền thông dự thảo chính sách thông qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ, bảng tin nội bộ của doanh nghiệp…
Tích cực triển khai nhiều kênh truyền thông
Cũng theo Ban Tuyên giáo – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có khá nhiều kênh truyền thông thường được các cấp công đoàn sử dụng trong truyền thông dự thảo chính sách.
Trước hết là kênh truyền thông báo chí trong và ngoài hệ thống công đoàn. Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trực tiếp quản lý 2 cơ quan báo chí (Báo Lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn) và 1 Cổng Thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam. Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công đoàn ngành trung ương và tương đương đang chỉ đạo, quản lý 1 báo và 6 tạp chí; 74 trang thông tin điện tử.
Nhằm phát huy hiệu quả thông tin nhanh, kịp thời của cơ quan báo chí, truyền thông quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân... mở chuyên trang, chuyên mục về Lao động và Công đoàn.
Bên cạnh đó là kênh truyền thông mạng xã hội. Các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube… đều có các fanpage của Công đoàn Việt Nam.
Theo số liệu thống kê mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang quản lý 1 Fanpage Công đoàn Việt Nam. Còn công đoàn cấp trên cơ sở quản lý 800 fanpage; công đoàn cơ sở quản lý trên 19.000 fanpage.
Một kênh truyền thông khác đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đó là kênh truyền thông trực tiếp gồm: Hệ thống loa truyền thanh, bảng tin nội bộ của doanh nghiệp, báo cáo viên của tổ chức Công đoàn, tài liệu…
Đặc biệt, gần đây, kênh đối thoại xã hội gắn với truyền thông dự thảo chính sách ngày càng được quan tâm triển khai nhiều hơn. Hàng năm, các cấp công đoàn tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa người lao động với các cấp chính quyền, người sử dụng lao động để trình bày những vấn đề cùng quan tâm liên quan đến dự thảo chính sách, pháp luật, kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Thông qua kênh đối thoại xã hội, các cấp công đoàn có thể tuyên truyền, phổ biến những dự thảo chính sách có tác động lớn đến người lao động.