Tìm kiếm nguồn thu cho báo điện tử vẫn là một thách thức đáng quan tâm, cần được tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm lời giải.
Khó khăn hiện hữu
Trong bối cảnh ngành công nghiệp truyền thông đang đối mặt với những biến đổi nhanh chóng do sự bùng nổ của công nghệ số và thay đổi trong thói quen tiêu dùng của độc giả, các báo điện tử đang phải tìm kiếm cách đa dạng hóa nguồn thu để duy trì và phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng và đối diện với nhiều thách thức..
Để hiểu rõ hơn về những khó khăn này, cần phải xem xét kỹ các yếu tố cụ thể mà các tổ chức báo chí phải đối mặt khi cố gắng đa dạng hóa nguồn thu của mình.
Thứ nhất, hiện tượng suy thoái kinh tế dẫn đến việc giảm ngân sách dành cho truyền thông và quảng cáo. Hậu quả trực tiếp của điều này là việc ngừng hợp đồng dài hạn hoặc giảm ngân sách quảng cáo, gây mất khả năng thanh toán của một số đối tác quan trọng, ảnh hưởng đến nguồn thu, làm giảm hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo và truyền thông.
Việc độc giả chuyển từ việc đọc tin tức trên báo chí sang tiêu thụ thông tin trên mạng xã hội cũng đã khiến các doanh nghiệp điều chỉnh ngân sách quảng cáo, ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu quảng cáo, khiến các tờ báo phải thích nghi và tìm cách thu hút độc giả từ các nền tảng trực tuyến để duy trì nguồn thu ổn định.
Thứ hai, hạn chế nguồn lực tài chính đối với việc phát triển công nghệ vẫn đang tồn tại, làm giảm sự tự chủ trong quản lý và tổ chức sự kiện (một nguồn thu mới) của các báo điện tử, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài, ảnh hưởng đến khả năng linh hoạt và tự do trong hoạt động.
Đồng thời, sự khan hiếm về tài chính cũng làm giảm khả năng đầu tư và phát triển công nghệ mới, làm chậm quá trình tiến bộ và cản trở sự đổi mới trong ngành.
Thứ ba, trong ngữ cảnh hiện nay, các tờ báo điện tử vẫn phải phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội để tăng cường khả năng tiếp cận với độc giả. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này lại mang theo một số thách thức, đặc biệt là khi mạng xã hội thường xuyên thay đổi thuật toán và dần giảm ưu tiên cho việc dẫn link đến các trang web của các tờ báo, có thể gây ra sự sụt giảm lượng truy cập đến các trang báo điện tử.
Thứ tư, cuộc đua thu hút người dùng không chỉ diễn ra giữa các cơ quan báo chí với nhau mà còn giữa các cơ quan báo chí với các nền tảng mạng xã hội. Sự cạnh tranh trở nên khốc liệt và khó cân sức hơn do sự phổ biến và ảnh hưởng ngày càng tăng của mạng xã hội trong việc truyền tải thông tin.
Báo điện tử phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram… nơi mà người dùng có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Thứ năm, thu hút được nhân lực chuyên môn cao đối với các hoạt động liên quan đến xây dựng, quản lý và phát triển tòa soạn báo điện tử là điều vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, sự khan hiếm và thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao đã và đang gây ra những vấn đề đáng lo ngại như: Giảm hiệu suất làm việc, trì trệ trong quá trình phát triển và cập nhật công nghệ, mất cơ hội tiếp cận và thu hút độc giả trong môi trường truyền thông số ngày càng cạnh tranh.
Gợi ý một số phương thức đa dạng hóa nguồn thu
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển nhanh chóng và thị trường truyền thông ngày càng cạnh tranh, báo điện tử phải liên tục tìm kiếm những phương thức mới để đa dạng hóa nguồn thu, đảm bảo sự bền vững phát triển. Đa dạng hóa nguồn thu không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro tài chính mà còn mở ra cơ hội nâng cao chất lượng nội dung và dịch vụ cho độc giả.
Dưới đây là một số phương thức đa dạng hóa nguồn thu mới trên nền tảng số mà các báo điện tử có thể tham khảo.
Quảng cáo lập trình (Programmatic Advertising)
Trong mô hình quảng cáo kỹ thuật số, quảng cáo lập trình đang trở thành ưu thế. Loại hình này phân biệt với quảng cáo hiển thị truyền thống trên báo điện tử theo dạng CPD (cost per duration - treo banner theo thời gian quảng cáo). Số liệu từ Statista cho thấy, quảng cáo lập trình hiện chiếm 93% thị phần của quảng cáo kỹ thuật số. Quảng cáo lập trình hiển thị tự động dựa trên hành vi của người dùng và các yếu tố như địa điểm, nhân khẩu học, và lịch sử tìm kiếm. Tuy nhiên, nhiều người coi quảng cáo lập trình là “rác” hoặc “gây phiền phức”, dẫn đến sự phổ biến của các ứng dụng chặn quảng cáo.
Quảng cáo ngữ cảnh (Native Advertising)
Mặc dù quảng cáo lập trình đang chiếm ưu thế, nhưng nội dung quảng cáo khó lọc hoặc bị chặn bởi các ứng dụng adblock ngày càng phổ biến. Để giải quyết vấn đề này, quảng cáo ngữ cảnh xuất hiện. Loại quảng cáo này được tích hợp vào các nội dung tương tự các bài viết, làm cho người dùng khó nhận biết rằng đó là một bài quảng cáo. Việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo khiến quảng cáo ngữ cảnh có thể hiển thị cùng với các bài viết có nội dung tương đồng, như các bài viết thuộc cùng một lĩnh vực hoặc sản phẩm cụ thể.
Đăng ký thu phí
Các tòa soạn báo chí áp dụng chiến lược thu phí độc giả thông qua việc xây dựng các bức tường thu phí và triển khai các mô hình đăng ký dài hạn dựa trên hệ thống quản lý thuê bao. Hình thức thu phí này thường được thực hiện qua ba phương thức chính. Đầu tiên là Hard - paywall, trong đó độc giả phải trả phí để có quyền truy cập tất cả các bài viết trên trang web. Phương thức thứ hai là Freemium, nơi chỉ một phần nội dung được thu phí, còn phần lớn vẫn được cung cấp miễn phí. Cuối cùng là Metered paywall, trong đó độc giả được phép đọc một số lượng bài viết nhất định miễn phí, sau đó họ sẽ phải trả phí để tiếp tục truy cập.
Tiếp thị liên kết/thương mại điện tử
Tiếp thị liên kết là một phương pháp hiệu quả để báo điện tử có thể tăng doanh thu, bằng cách đặt liên kết đến sản phẩm hoặc dịch vụ của đối tác trên các nền tảng của mình và nhận hoa hồng từ mỗi giao dịch thành công. Ở Việt Nam, có nhiều nền tảng tiếp thị liên kết hàng đầu, như Shopee, Lazada, Accesstrade, Masoffer... Nhờ vào những nền tảng này, báo điện tử có thể tiếp cận đối tượng khách hàng rộng lớn thông qua các chương trình quảng cáo và khuyến mãi. Công cụ và dịch vụ được cung cấp bởi các nền tảng cũng giúp các cơ quan báo chí tối ưu hóa chiến lược tiếp thị và tăng cường hiệu quả kinh doanh.
Kinh doanh dữ liệu
Một số cơ quan báo chí đã chuyển hướng trở thành doanh nghiệp công nghệ truyền thông (media tech), cung cấp giải pháp hoặc phần mềm quản lý nội dung (CMS) cho các tổ chức báo chí khác, hoặc cung cấp các công cụ sản xuất nội dung bài bản (longform). Mô hình này tại Việt Nam còn khá mới mẻ, nhưng trong tương lai, với mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu, các tổ chức báo chí có thể phát triển dịch vụ tư vấn, xây dựng chiến lược tiếp thị, hoặc phục vụ cho các cơ quan chính phủ.
Tóm lại, việc đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh số đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo và nắm bắt kịp thời các cơ hội mới. Chỉ thông qua sự đổi mới và nỗ lực không ngừng, báo điện tử mới có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và tạo ra giá trị cho cộng đồng độc giả trong thời đại số hóa ngày nay.
Để thành công trong việc đa dạng hóa nguồn thu, các cơ quan báo chí cần phải chú trọng vào việc cải thiện chất lượng nội dung, tạo ra các chiến lược kinh doanh linh hoạt và sáng tạo, và duy trì một môi trường làm việc linh hoạt, đổi mới.
Đồng thời, việc nắm bắt và thích nghi với các xu hướng mới trong ngành cũng là yếu tố quan trọng giúp cơ quan báo chí điện tử tiếp tục tồn tại và phát triển trong thế giới số hóa ngày nay.
NCS.ThS. Lê Xuân Mạnh
Khoa Đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông