Theo thống kê, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Long An còn 3.654 hộ nghèo, chiếm 0,75%; hộ cận nghèo là 9.026 hộ, chiếm 1,86% trên tổng số hộ dân. Có được kết quả này là nhờ sự chung tay của chính quyền và người dân trong việc triển khai, thực hiện các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững.
Tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ về y tế, vay vốn tín dụng, giáo dục, nhà ở, sản xuất,... cho các hộ nghèo, cận nghèo. Cụ thể, tỉnh bảo đảm cấp thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 40.000 lượt người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo mỗi năm; tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ổn định cuộc sống; hỗ trợ hơn 27.000 lượt người vay tín dụng với hơn 1.317 tỷ đồng. Từ nguồn vận động Quỹ Vì người nghèo, UBMTTQ Việt Nam tỉnh xây tặng 746 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí hơn 37 tỉ đồng; sửa chữa 272 căn nhà trị giá hơn 7 tỷ đồng.
Đến ngày 31/10/2023, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp huy động hơn 70 tỷ đồng hỗ trợ hơn 11.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023 cũng được tỉnh triển khai quyết liệt với hơn 42 tỷ đồng phân bổ vào các dự án về phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.
Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Đơn cử tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, đầu nhiệm kỳ 2020-2025, toàn xã có 54 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, đến hiện tại, xã không còn hộ nghèo, chỉ còn 20 hộ cận nghèo, chiếm 0,05% so với tổng số 3.395 hộ dân trên địa bàn xã.
Đại diện UBND xã Long Hiệp cho biết, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, UBND xã quyết liệt triển khai nhiều chính sách giảm nghèo, trong đó có các mô hình vay vốn, hỗ trợ bò sinh sản; phối hợp doanh nghiệp hỗ trợ gạo hàng tháng cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật.
Trong đó, nổi bật là hình thức vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Người dân sau khi vay vốn sẽ đóng lãi tiết kiệm định kỳ 6 tháng/lần, mức vay vốn sẽ tùy vào nhu cầu và điều kiện chi trả của từng hộ dân. Chính sách này là một trong những “đòn bẩy” kinh tế của xã nhằm giúp các hộ nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống.
Chia sẻ về mô hình giảm nghèo tại địa phương, bà Mai Thị Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, cho biết, hội đã và đang triển khai mô hình Góp vốn hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Các chị em sẽ đóng góp dựa trên tinh thần tự nguyện. Cuối năm sẽ có một hội viên được nhận tiền hỗ trợ. Đồng thời, nguồn vốn từ mô hình này còn được sử dụng cho những mục đích khác như thăm chị em bị bệnh, tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện có 4 chi hội thực hiện mô hình này. Hàng tháng, mỗi chi hội sẽ đóng góp từ 2-5 triệu đồng, tùy điều kiện của chị em trong chi hội. Ngoài ra, Hội còn thực hiện nhiều biện pháp giảm nghèo thiết thực khác như thực hiện mô hình Hũ gạo tình thương, Nuôi heo đất tiết kiệm; đồng thời, giúp phụ nữ khởi nghiệp.
Hiện nay, xã Bình Hòa Bắc còn 23 hộ nghèo, cận nghèo; dự kiến đến cuối năm 2024 giảm 3 hộ (đầu nhiệm kỳ có 52 hộ nghèo, cận nghèo).
Với nỗ lực của các cấp, các ngành, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm mạnh qua từng năm. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện những biện pháp giảm nghèo bền vững, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giảm số hộ nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.