Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, tự vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng, thời gian qua, tỉnh Hà Giang rất chú trọng công tác truyền thông trong giảm nghèo bền vững. Từ những hoạt động này, người dân nhanh chóng tiếp cận được những chính sách cũng như học hỏi được nhiều kinh nghiệm, từng bước nắm bắt được cơ hội phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy kinh tế gia đình, xã hội phát triển bền vững.

Cụ thể, để triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đạt được mục tiêu như đã đề ra, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đẩy mạnh hoạt động truyền thông giảm nghèo bền vững dưới nhiều hình thức, góp phần tạo sức lan tỏa để mỗi người dân tỉnh Hà Giang trở thành những tuyên truyền viên tích cực. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở LĐ-TB&XH triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, với nội dung là tập trung phối hợp với các phương tiện truyền thông địa phương và Trung ương tuyên truyền nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh năm 2024. Đặc biệt, một trong những nội dung được chú trọng tuyên truyền là chiến lược giảm nghèo chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các xã đặc biệt khó khăn. 

giam ngheo 3 LAD.jpg
Công tác truyền thông giúp người dân nhanh chóng tiếp cận được những chính sách, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, từng bước nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo

Tỉnh Hà Giang xác định để giảm nghèo bền vững thì việc đầu tư vào con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực phát triển của người dân, nhất là người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số là rất quan trọng. Do đó, các cơ quan liên quan đã tích cực tuyên truyền về công tác đổi mới dạy nghề, tạo việc làm, sinh kế, giảm nghèo bền vững và khuyến khích làm giàu chính đáng; truyền thông về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững; tăng cường các kênh truyền thông tương tác thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới về thông tin truyền thông như mạng xã hội, ứng dụng giải trí trên thiết bị thông minh nhằm nâng cao sự tương tác và tham gia của người dân. 

Các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo cũng đã được triển khai với nhiều hình thức, mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua truyền thông đã động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội...

Mới đây, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức triển khai Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, diễn ra từ 14/10-2/11/2024. Sau 3 tuần thi đã có hơn 61.000 người tham gia với gần 495.000 lượt thi, số người trả lời đúng tất cả các câu hỏi khoảng 20.000 người...

Việc triển khai thực hiện tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã mang lại những hiệu quả tích cực, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của công tác truyền thông trong giảm nghèo bền vững ở Hà Giang.

Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong giảm nghèo

Theo báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo sơ bộ của các huyện, thành phố cuối năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2024 toàn tỉnh Hà Giang giảm 6,2% (giảm từ 42,61% cuối năm 2023 xuống còn dưới 36,41% cuối năm 2024), giảm 11.543 hộ nghèo và cận nghèo, vượt chỉ tiêu được giao. Giai đoạn 2022-2024, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 55,12% xuống còn 36,41%, giảm 18,71%, giảm bình quân 6,24%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu hằng năm giảm bình quân 4% tỷ lệ hộ nghèo).

Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu giảm 8.493 hộ nghèo đa chiều, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 4,7%, trong đó các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%, 2 huyện Quản Bạ và Bắc Mê phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 40% - thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, tỉnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác giảm nghèo bền vững, đồng thời, khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo; đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, đào tạo việc làm. Thường xuyên công khai, minh bạch các chính sách tín dụng, rà soát nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng chính sách…